Xây dựng bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn: Còn nhiều quan điểm khác nhau
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận với nhiều luồng quan điểm khác nhau.
Trong đó, có ý kiến đồng thuận với chủ trương này để có một bộ sách giáo khoa chuẩn nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa sẽ dễ quay lại tình trạng độc quyền như trước, thầy cô, học sinh thiếu chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, học tập.
Yêu cầu biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, ngoài việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, Nghị quyết cũng nêu rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa…”
Song việc tổ chức bộ sách giáo khoa của Bộ trở nên bất khả thi do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết, mỗi tác giả viết sách lúc đó đã đứng tên ở một đầu sách giáo khoa do các nhà xuất bản chủ trì biên soạn. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển sang chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước (trả lại Ngân hàng Thế giới khoản vay triệu 16 triệu USD để làm bộ sách này).
Quốc hội cũng xem xét thực tế để chỉ đạo, điều chỉnh bằng Nghị quyết số 122/2020/QH14, với nội dung: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.
Hiện nay, có 3 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng trong các nhà trường gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều.
Tuy nhiên, từ kết quả báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2023, ngày 18/9/2023, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, nêu rõ bất cập khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết 88, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa…
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa”.
Tán thành chủ trương này, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, rất cần thiết biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, thậm chí là càng biên soạn sớm càng tốt. Việc này sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn hiện nay về vấn đề sách giáo khoa như nội dung, hình thức, đặc biệt là giá cả.
Theo ông Đặng Tự Ân, việc có thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước không gây ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình mới và vẫn tồn tại nhiều bộ sách trên thị trường. Bộ sách của Nhà nước sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại của các bộ sách hiện có, từ đó tối ưu hóa tính chuẩn mực. Dù là bộ sách giáo khoa của Nhà nước nhưng các bộ sách vẫn bình đẳng. Việc chọn lựa sách giáo khoa sẽ do nhà trường, thầy cô quyết định căn cứ quá trình tìm hiểu, so sánh của mình.
Thầy Phạm Văn Công, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm một bộ sách chuẩn mực được viết theo nội dung các bộ sách đã ban hành, trên cơ sở khắc phục những thiếu sót của những bộ sách đó. Nếu có một bộ sách chuẩn thì những bộ sách hiện hành sẽ trở thành sách tham khảo với phụ huynh, học sinh, đặc biệt là giáo viên. Đây có thể coi là một kho tài liệu vô cùng phong phú cho giáo viên khi dạy bộ sách chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuẩn để dạy – học và kiểm tra đánh giá
Tuy vậy, nhiều chuyên gia lại không đồng tình với việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở thời điểm này.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phân tích: Cách đây hơn nửa thế kỉ, do điều kiện phát triển của khoa học giáo dục cũng như tình hình đất nước có chiến tranh, nên nhiều giai đoạn không có chương trình, chỉ biên soạn và coi sách giáo khoa là chuẩn. Đến những năm 60-70 của thế kỉ trước, có chương trình các môn học, nhưng hết sức đơn giản, thực chất chỉ là bản phân phối chương trình và được phê duyệt chính thức của Bộ (trừ chương trình của miền Nam trước 1975 - đều có các Quyết định, Nghị định phê duyệt và ban hành). Cho đến cải cách giáo dục lần thứ 3 (1980 -1992), Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng chính thức cho toàn quốc, nhưng cũng không thấy Bộ phê duyệt vào văn bản chương trình. Ví dụ, chỉ thấy ghi vào văn bản chương trình từ lớp 6 - lớp 9: “Bản dự thảo này đã được hội đồng thông qua; Hà Nội - 1986”. Đến năm 1989 mới làm chương trình cho cấp Trung học Phổ thông.
Chương trình đổi mới năm 2000 được xây dựng bài bản hơn, nhưng vẫn làm theo lối tách 3 cấp học làm ở 3 thời điểm khác nhau (Chương trình Tiểu học: 1995, Trung học Cơ sở: 1998 và Trung học Phổ thông: 2000). Sau đó, năm 2006 thống nhất 3 cấp thành Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Bộ kí Quyết định ban hành.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống cho rằng: Tình trạng một chương trình, một sách giáo khoa dẫn đến việc đánh đồng chương trình với sách, giáo viên chỉ biết sách và coi sách giáo khoa là chuẩn. Đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc xây dựng mang tính chuyên nghiệp hơn, tiếp cận được với cách xây dựng, thiết kế chương trình của quốc tế. Theo đó, hầu hết các nước phát triển chỉ tập trung thiết kế chương trình và chuẩn chương trình để lấy đó làm cơ sở biên soạn sách giáo khoa, tổ chức dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá. Với những nước lớn, nhiều bang, vùng, miền thì mỗi địa phương lớn căn cứ vào chương trình quốc gia để xây dựng, phát triển thành chương trình của bang, vùng, miền... và chương trình nhà trường. Do đó, không có sách giáo khoa chuẩn mà sách giáo khoa chỉ là học liệu quan trọng trong nhiều nguồn khác nhau.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống cũng nhấn mạnh: Do khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên vai trò của sách giáo khoa ngày càng giảm dần vị trí độc tôn. Giáo viên và học sinh có thể tiếp cận từ nhiều nguồn thông tin, góc nhìn khác nhau để dạy và học, miễn là đáp ứng yêu cầu của chương trình. Sách giáo khoa rất đa dạng, phong phú, nhưng phải dựa vào chương trình để biên soạn. Chương trình trở thành chuẩn, là cơ sở quan trọng nhất để xem xét các sách giáo khoa cũng như cách dạy, cách học; đặc biệt cách kiểm tra đánh giá.
Kiểm tra, đánh giá học sinh cũng chỉ dựa vào các yêu cầu của chương trình và chuẩn chương trình để xem xét, không cần biết học sách nào, học ở đâu, bằng cách nào. Tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế đều quan niệm và thực hiện đánh giá như thế. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là một ví dụ rất rõ, khi 70 nước chỉ thi chung một đề đọc hiểu.
Cũng nhấn mạnh vai trò của Chương trình giáo dục phổ thông, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản chính sách của Nhà nước thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lý chất lượng giáo dục phổ thông. Đây cũng là cam kết của Nhà nước bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.
Vai trò của sách giáo khoa là cung cấp thông tin khoa học cốt lõi về lĩnh vực liên quan đến môn học. Do vậy, sách giáo khoa là một trong số học liệu để người học và người dạy thực hiện được các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh, được quy định ở Chương trình giáo dục phổ thông.
Để soạn giáo án, giáo viên có thể sử dụng một sách giáo khoa cùng với sách giáo viên (tương ứng với sách giáo khoa đó), thiết bị và đồ dụng dạy học phù hợp. Giáo viên cũng có thể đọc một số sách giáo khoa, sách giáo viên khác để soạn giáo án cho một bài dạy. Rất hiếm giáo viên có trình độ yếu đến mức dạy theo từng câu chữ của một bài học trong một sách giáo khoa. Còn với học sinh, các em thực hiện hoạt động học tập theo kế hoạch dạy học mà giáo viên soạn ra. Nếu học sinh giỏi và say mê có thể không chỉ đọc sách giáo khoa mà còn tìm đọc các sách khác.
Từ thực tế thi cử hiện nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh cho rằng, giáo viên Việt Nam luyện thi cực giỏi, bằng chứng là các đội tuyển học sinh giỏi đi thi đều giành được điểm cao hàng đầu thế giới. Với các kì thi trong nước, giáo viên cũng luyện theo mức độ đề thi và không có bất cứ người luyện thi nào chỉ căn cứ vào sách giáo khoa để luyện. Như vậy, nếu yêu cầu giáo viên dạy theo yêu cầu đặt ra bằng Chương trình giáo dục phổ thông thì giáo viên sẽ đáp ứng dù có mấy bộ sách giáo khoa đi nữa.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ: Có một thực tế, học sinh Việt Nam rất giỏi, thông minh, nhưng khi ra thực hành nhiều khi lại không sáng tạo được. Lý do là vì, các em đã được dạy theo một khuôn mẫu, tư duy đã đi theo khuôn mẫu đấy, từ đó dẫn tới việc không dám cởi mở, không dám sáng tạo. Vì thế, hiện tại, chúng ta không nên quá quan tâm đến chuyện phải có một bộ sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không mà nên tập trung vào việc làm sao để tăng cường năng lực của đội ngũ giáo viên, nhà quản lý, thay đổi nhận thức của xã hội và người học...