8 thói quen làm cạn kiệt năng lượng
Năng lượng của mỗi người đều có hạn, nếu phân tâm vì những thứ không quan trọng sẽ khiến bạn mệt mỏi, làm việc không hiệu quả.
Đây là 8 thói quen xấu hàng đầu tiêu tốn năng lượng của bạn.
Dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động
Trong thời hiện đại, một người có thể tiếp nhận hàng trăm triệu thông tin mỗi ngày. Chúng ta liên tục vuốt ngón tay trên màn hình smartphone, xem hết thứ này đến thứ khác đến khi nhận ra thì vài giờ đã biến mất, chỉ còn lại sự mệt mỏi và trống rỗng. Kế hoạch học tập, làm việc bị chậm trễ. Nếu việc này kéo dài sẽ kéo cuộc sống của bạn đi xuống.
"Trong thời đại bùng nổ thông tin, không biết cách chủ động ngăn chặn là một thảm họa", nhà tâm thần học người Mỹ Louise Lynn Hay nói.
Luôn đổ lỗi cho bản thân
Cái bẫy nhận thức trong tâm lý học được gọi là "sự phân bổ cá nhân hóa" - hiện tượng một người thường cho rằng những chuyện không hay xảy ra với mình đều do chính mình gây ra. Ví dụ, nếu bị một người bạn từ chối lời mời ăn trưa, người đó sẽ lập tức nghĩ mình đã làm sai điều gì đó. Khi người khác không trả lời tin nhắn, họ sẽ tự hỏi liệu có để lại ấn tượng xấu cho họ không.
Thực tế là trên đời có rất nhiều thứ nhưng lại có rất ít thứ liên quan đến bạn. Đừng tự tấn công bản thân, hãy nhìn cuộc sống trước mắt, mỉm cười với những gì đang có. Sống ở hiện tại, đừng nghĩ tương lai, đừng buồn quá khứ, tự nhiên cuộc sống của bạn sẽ thư thái hơn.
Mất kiểm soát cảm xúc
Trong liệu y học cổ của Trung Quốc là "Hoàng Đế nội kinh" viết: "Giận dữ hại gan, vui mừng hại tim, buồn phiền hại phổi, suy nghĩ hại lá lách, sợ hãi hại thận". Mỗi cảm xúc tương ứng với một cơ quan trong cơ thể. Cảm xúc quá mức có thể gây tổn hại cơ thể và tiêu hao năng lượng của một người.
Tiểu thuyết gia Charles Dickens (Anh) đã nói: "Sự lành mạnh của cảm xúc và tinh thần có sức mạnh hơn hàng trăm loại trí tuệ". Không có cảm xúc bình yên sẽ không có năng lượng dồi dào.
Khi nhận ra mình đang mất kiểm soát cảm xúc, bạn phải học cách tự giúp mình. Lúc đang nóng giận, bạn có thể đếm thầm vài con số để hạ hỏa. Khi buồn, hãy nghe một vài bản nhạc hoặc nói chuyện với người khác để giải tỏa. Chỉ khi tâm trạng tốt, bạn mới có thể đối mặt với những thăng trầm cuộc sống với trạng thái tích cực nhất.
Tương tác xã hội cường độ cao
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Patrick King đã đề xuất một khái niệm gọi là "pin xã hội". Ông chỉ ra năng lực xã hội của mỗi người là có hạn, mọi cuộc trò chuyện và mọi biểu hiện chúng ta thực hiện đều tiêu tốn pin.
Có thể bạn đã từng gặp tình huống tình cờ gặp một người bạn mới và trò chuyện hàng giờ nhưng ngày hôm sau bạn không muốn nói thêm lời nào nữa. Hay như khi tham gia một bữa tiệc sôi động, trò chuyện và cười đùa thoải mái, để rồi khi về là gục xuống ghế sofa. Đó là hệ quả sau một khoảng thời gian tương tác xã hội cao.
Tương tác xã hội cường độ cao sẽ không mang lại lợi ích cho cuộc sống của bạn. Nó lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực, chỉ để lại cơ thể mệt mỏi và tê liệt.
Nếu có thể, hãy tránh những cuộc tụ tập vô nghĩa và những hoạt động giao lưu làm tiêu hao cơ thể và tâm trí. Chỉ bằng cách kiềm chế sự nhiệt tình quá mức và cắt đứt những mối quan hệ phức tạp, bạn mới có thể bảo toàn năng lượng của mình và mang lại cho mình cảm giác bình an.
Lo lắng quá mức
Nhà tâm lý học Aaron T. Baker (Mỹ) từng nói điều thực sự đánh gục con người không bao giờ là bản thân sự việc mà là những suy nghĩ trầm trọng hóa vấn đề trong đầu. Việc suy đoán quá mức sẽ khiến chúng ta bị choáng ngợp, trước khi sự thật xảy ra.
Thái độ tốt nhất trong cuộc sống là hãy thận trọng với những điều bạn có thể kiểm soát và lạc quan với những điều không thể kiểm soát.
Ăn uống không lành mạnh
Nếu buổi sáng đói, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi. Ăn đồ ăn để lâu khiến bạn đau bụng, cảm thấy yếu ớt. Việc ăn uống tốt hay không quyết định trực tiếp đến sức khỏe thể chất và trạng thái tinh thần. Khi sức khỏe suy giảm và bạn không còn sức lực để làm bất cứ việc gì thì những việc nhỏ bình thường sẽ trở thành việc lớn.
Luôn nhốt mình trong phòng
Ngày nay, cuộc sống của nhiều người xoay quanh hai địa điểm: công sở và nhà. Con người sẽ mất đi sức sống nếu ở lâu trong không gian kín. Lúc này, bạn cần ra ngoài đi dạo, như lượn công viên, phố xá, chợ đêm.
Những điều này tuy nhỏ nhưng có thể làm loãng đi sự mệt mỏi trong ngày. Khi ở trong một môi trường rộng lớn, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Dằn vặt bản thân vì những sai lầm trong quá khứ
Thực tế, nhiều điều tồi tệ trong cuộc sống chỉ là tạm thời. Nếu không chịu buông bỏ cho chính mình, nỗi đau sẽ theo bạn và hành hạ mọi lúc. Không ai trong chúng ta có thể thay đổi quá khứ nên tốt nhất hãy chôn nó vào tận đáy lòng. Chuyện phức tạp thì hãy bỏ qua, chuyện đau khổ thì hãy coi thường.
Thế giới giống như một cuốn sách, lật qua chương này thì mới có thể viết tiếp chương mới.