Việt Nam đăng cai Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Từ ngày 20 - 23/11, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11).
Hội nghị với chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa” được tổ chức 4 năm một lần, là sự kiện quan trọng của Phong trào trong khu vực.
Ông Nguyễn Đức Khải, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng Tiểu Ban thường trực Tiểu ban Hậu cần - Vận động nguồn lực Hội Nghị AP-11 cho biết, đây là lần thứ 2 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị trong bối cảnh vị thế của Việt Nam được nâng cao, cùng với nhiều vấn đề nhân đạo đang đặt ra, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Hội nghị là cơ hội để giới thiệu thành tựu đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động hợp tác phát triển của Hội với các đối tác quốc tế và các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; từ đó khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam và trách nhiệm hành động của các Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực trong ứng phó biến đổi khí hậu và thảm họa.
Trong khuôn khổ sự kiện, khoảng 400 đại biểu trong nước và quốc tế cùng tham gia các hoạt động: Diễn đàn Thanh niên Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Nâng cao khả năng chống chịu: Truyền cảm hứng cho lãnh đạo thanh niên thúc đẩy sáng tạo sẵn sàng trước thảm họa”; Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11.
Đặc biệt, các đại biểu sẽ được tham gia 2 hoạt động bên lề: Chương trình “Sức mạnh nhân đạo” 2023; Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Với thông điệp “Vì một Việt Nam thân thiện, mến khách”, “Vì một Việt Nam xanh”, thông qua 2 Chương trình này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế những nét văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước, con người Việt Nam; những hoạt động đặc trưng, nổi bật của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó thảm họa.
Theo ông Nguyễn Đức Khải, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Hội nghị cơ bản đảm bảo tiến độ. Hội đã tiến hành khảo sát, tiền trạm tất cả các địa điểm diễn ra Hội nghị, bao gồm các địa điểm diễn ra hoạt động bên lề và các hoạt động lễ tân, chiêu đãi, chào mừng; lên phương án đón tiếp cụ thể tại từng địa điểm, đảm bảo an ninh, an toàn, sức khỏe cho đại biểu; đảm bảo các điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất được sử dụng trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị được phân bổ hợp lý và ở trạng thái tốt nhất.
Để chuẩn bị lực lượng phục vụ Hội nghị diễn ra trong 4 ngày ở nhiều địa điểm khác nhau, bên cạnh đội ngũ cán bộ Trung ương Hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyển chọn 30 tình nguyện viên ưu tú tham gia phục vụ Hội nghị và sẽ tiến hành tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên này.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng sớm xây dựng kế hoạch ngân sách và tích cực vận động nguồn lực, tìm kiếm các Nhà tài trợ, ký kết hợp tác với các đối tác, công ty tổ chức sự kiện, truyền thông. Hội cũng phối hợp với đơn vị truyền thông xây dựng ứng dụng quản lý sự kiện trên điện thoại di động nhằm cung cấp thông tin liên quan đến Hội nghị cho đại biểu, đáp ứng tiêu chí “Xanh” của Hội nghị (hạn chế sử dụng tài liệu in ấn).