Góc nhìn

Vì sao nhiều người bỏ thi giáo viên?

TRƯƠNG HÀ 31/10/2023 07:30

Tại kỳ tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có 182 thí sinh bỏ thi.

Theo thông tin từ Hội đồng tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, kỳ tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo năm 2023, Hải Dương có 182 thí sinh bỏ thi trên tổng số hơn 1.000 thí sinh đủ điều kiện, chiếm tới gần 20%. Huyện có số thí sinh bỏ thi nhiều nhất là Cẩm Giàng (69 người). Một con số khiến không ít người làm trong ngành giáo dục phải giật mình. So với kỳ tuyển dụng năm 2022, con số này tăng 37 người. Vậy đâu là gốc rễ của vấn đề?

Câu chuyện của con gái người bạn tôi khiến không ít người phải suy nghĩ. Cháu đang làm giáo viên tiểu học hợp đồng tại một huyện giáp tỉnh Hưng Yên. Đầu tháng 8 vừa qua, cháu đã nộp hồ sơ dự tuyển giáo viên ở nơi đang công tác, sinh sống và được thông báo đủ điều kiện dự thi vòng 2 (thi viết) nhưng cháu đã quyết định bỏ thi để chờ đăng ký thi tuyển tại tỉnh Hưng Yên. Lý do cháu bỏ thi là do tháng 7/2023, tỉnh Hưng Yên ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục và công lập trên địa bàn tỉnh. Hưng Yên hỗ trợ giáo viên tiểu học 108 triệu đồng và giáo viên mầm non 162 triệu đồng. Việc hỗ trợ này được thực hiện một lần bằng tiền và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác. Quy định cũng yêu cầu người được hỗ trợ có cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng. Chính sách có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Theo bạn tôi, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên giáp nhau, đều tổ chức thi tuyển nhưng chính sách hỗ trợ giáo viên của tỉnh Hưng Yên hấp dẫn hơn rất nhiều nên không chỉ riêng con gái chị bỏ thi ở Hải Dương mà không ít người cũng lựa chọn như cháu.

Trước khi tỉnh Hải Dương tổ chức vòng 2 kỳ thi tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục năm 2023 thì tỉnh Bắc Ninh cũng đã tổ chức thi tuyển. Nhiều thí sinh quê Bắc Ninh đồng thời đăng ký thi tuyển tại cả hai địa phương. Khi tỉnh Bắc Ninh công bố kết quả thi, các thí sinh này đã trúng tuyển nên họ bỏ thi vòng 2 tại Hải Dương.

Một số giáo viên hợp đồng dù đã nộp hồ sơ đăng ký thi tuyển vào biên chế nhưng trước khi kỳ thi diễn ra, vì lo sợ tiêu cực, tốn kém trong thi tuyển trong khi áp lực công việc lớn, nhất là đối với bậc mầm non nên chính họ đã tự rút khỏi danh sách…

Theo thông tin từ một số Phòng Nội vụ huyện như Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng, hằng năm, ngoài thí sinh đăng ký dự thi là người Hải Dương thì các địa phương này nhận được số lượng lớn hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh thuộc các tỉnh lân cận: Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh... Song cũng chính những thí sinh này bỏ thi bởi nhiều lý do như đã trúng tuyển tại kỳ thi của địa phương; địa phương có chính sách đãi ngộ, thu hút hấp dẫn đối với giáo viên...

Hải Dương đang thiếu hơn 1.400 giáo viên, gồm 342 giáo viên mầm non, 633 giáo viên tiểu học, 332 giáo viên THCS, 22 giáo viên khối tiểu học và THCS, 23 giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, còn lại là giáo viên các trường THPT công lập.​​ Nhiều năm nay, việc tuyển giáo viên của Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm, hầu hết các địa phương đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Số thí sinh đăng ký dự thi luôn thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển.

Thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng giáo dục. Để khắc phục tình trạng này, hạn chế thấp nhất thí sinh đăng ký thi rồi lại bỏ như hiện nay, ngoài khuyến khích học sinh thi tuyển vào các trường sư phạm, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ, giáo viên được tuyển dụng. Đặc biệt là chống tiêu cực trong việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

TRƯƠNG HÀ