Chính trị

Nhớ thị xã Hải Dương

NM 30/10/2023 06:00

Quãng thời gian hơn 50 năm thị xã Hải Dương vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức đẹp đẽ của nhiều người dẫu cho nơi đây đã trở thành thành phố và dịp này TP Hải Dương đang kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng.

36.jpg
Quảng trường Độc Lập thời kỳ thị xã Hải Dương (ảnh tư liệu)

Từ năm 1946 - 1997, TP Hải Dương được gọi là thị xã. Đây cũng là thời kỳ gắn với những trang sử hào hùng chiến đấu, sản xuất và chiến thắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hải Dương.

Năm tháng hào hùng

Năm 1883, thực dân Pháp chiếm Thành Đông, phá bỏ tường thành quân sự vững chắc để xây dựng nhà máy rượu, thiết lập chế độ cai trị. Nhận thấy vai trò và vị trí quan trọng của nơi đây, Toàn quyền Đông Dương quyết định nâng cấp đô thị từ lỵ sở Hải Dương thành thành phố vào năm 1923.

Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, từ đầu năm 1946, TP Hải Dương chuyển thành thị xã Hải Dương và là tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương. Đến năm 1997, thị xã từ đô thị loại IV phát triển lên loại III và cũng trở thành thành phố từ thời điểm đó.

Trong quãng thời gian là thị xã, thủ phủ của xứ Đông đã cùng cả nước trải qua giai đoạn lịch sử cam go, đầy thử thách, khó khăn. Đó là những năm tháng nếm mật, nằm gai kháng chiến chống Pháp rồi dốc sức, đồng lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho miền Nam chống Mỹ cứu nước.

Hình ảnh thị xã vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Phạm Quý Mùi bởi những trang sử viết về TP Hải Dương thời kỳ này do chính ông chắp bút và bản thân ông cũng trải qua giai đoạn khó khăn mà hào hùng này. Ông nói có nghiên cứu sâu mới thấy quân và dân thị xã can trường, nỗ lực dường nào dù đầy vất vả, thiếu thốn và mất mát. Ngày 30/10/1954 là thời khắc lịch sử khi Đảng bộ và nhân dân thị xã hân hoan đón bộ đội tiến về giải phóng, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp.

Ngày giải phóng là bước ngoặt lớn để toàn thị xã bước vào giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, là hậu phương vững chắc cho đồng bào miền Nam chống Mỹ. Thế nhưng, mục tiêu này bị gián đoạn khi Mỹ phá hoại miền Bắc và thị xã Hải Dương là trọng điểm đánh phá của địch. Mặc dù vậy, cả thị xã vẫn vững vàng, hiên ngang khi ai nấy đều quyết tâm “địch phá ta sửa ta đi”, “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “địch đánh ngày, ta làm đêm”. Khí thế sản xuất sôi nổi, càng gian khó, càng quyết tâm “tay búa, tay súng”, “địch đến là đánh, địch đi lại sản xuất”. Khi hoàn thành nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu cũng là lúc thị xã chuyển mình, tính toán cho bước phát triển mới. “Đó là trang sử hào hùng không thể nào quên về một giai đoạn chiến đấu, sản xuất và chiến thắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hải Dương”, ông Mùi chia sẻ.

dji_0010.jpg
Thời kỳ thị xã là điểm tựa để TP Hải Dương vươn lên mạnh mẽ

Ký ức không quên

Không chỉ những người chép sử như ông Mùi, với những người đã từng đi qua giai đoạn lịch sử ấy, những ký ức về thị xã một thời cũng luôn khắc sâu.

Mỗi khi ôn lại kỷ niệm ngày xưa, bà Phạm Thị Xuyến, sinh năm 1951 ở phường Quang Trung luôn hào hứng với những câu chuyện gắn liền với thị xã Hải Dương. Cả tuổi thơ của bà in dấu hình ảnh ga Hải Dương với những chuyến tàu chở hàng ngược xuôi. Ngày ấy, ga tấp nập, náo nhiệt vì là “cuống họng” giao thông của cả tỉnh. Đây cũng là điểm Mỹ ném bom thường xuyên để chặn đường vận chuyển, chi viện. Bà Xuyến cũng lớn lên cùng cửa hàng bách hóa tổng hợp ngay Quảng trường Độc Lập. Thời kỳ tem phiếu thiếu thốn đầy ắp vui buồn. Rồi cả khi nghe tiếng máy bay địch lại vội vã xuống hầm trú ẩn. Bà cười nói: “Bây giờ kể lại cho con cháu về thị xã xưa mà ngỡ như vừa xảy ra. Đó là những ký ức có gian khổ, mất mát, thương đau nhưng cũng rất đẹp và sôi nổi”.

Nhắc tới TP Hải Dương thời kỳ thị xã là người ta nhớ tới các Nhà máy: Sứ, Bơm, Đá Mài. Thời điểm đó, thị xã Hải Dương là điểm sáng về phát triển công nghiệp nhẹ trong cả nước. Bên cạnh đó, người dân cũng tất bật, hăng say sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Nghề làm nón, làm mộc, cơ khí, sản xuất lốp xe đạp phát triển. Bên cạnh hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thị xã cũng sôi nổi, không vì chiến tranh mà gián đoạn.

Thị xã ngày ấy-TP Hải Dương hôm nay là cả một chặng đường phát triển gian lao. Thị xã là nền tảng, cơ sở vững chắc để thành phố chuyển mình, trở thành đô thị loại I. Phát huy truyền thống của ông cha, TP Hải Dương không ngừng nỗ lực, quyết tâm trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện và an toàn.

NM