Phát động cuộc thi sáng tạo logo về sản xuất và tiêu dùng bền vững
Cuộc thi “sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững” nhằm nâng cao nhận thức, phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp và người dân về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Sáng 27/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững.”
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi cho biết Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Hoạt động sản xuất công nghiệp cùng với hoạt động tiêu dùng công nghiệp, tiêu dùng cá nhân đang phát triển nhanh, trở thành những trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, quá trình mở rộng hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động tiêu dùng, đặc biệt các hoạt động sản xuất và tiêu dùng thiếu bền vững, đang gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo thêm các chi phí đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được xem là giải pháp cấp thiết nhằm đem lại sự chuyển biến sâu sắc trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Do vậy, Bộ Công thương tổ chức Cuộc thi “sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững” là một trong những phương thức tuyên truyền hiện đại, hấp dẫn nhằm nâng cao nhận thức, phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong ngành Công thương cũng như người dân trong hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Qua đó góp phần hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong lĩnh vực này.
“Ban Tổ chức rất mong sự hưởng ứng rộng rãi và nhận được nhiều tác phẩm dự thi từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước,” ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Thông tin thêm, theo đại diện Ban Tổ chức, cuộc thi sẽ tìm kiếm một bộ sản phẩm bao gồm: logo (biểu trưng) và slogan (khẩu hiệu) thể hiện được thông điệp của Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, trong đó, logo gồm hình ảnh đồ họa hoặc chữ hoặc kết hợp để giúp nhận dạng thương hiệu Chương trình; slogan gồm một câu văn ngắn gọn, súc tích và thể hiện được thông điệp của Chương trình.
Bên cạnh đó, logo và slogan được giải sẽ đại diện cho hình ảnh và thông điệp của Chương trình, xuất hiện trong các hoạt động truyền thông của Chương trình. Ban Giám khảo Cuộc thi gồm 9 thành viên là các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững và một số họa sỹ có kinh nghiệm trong chấm thi các giải thưởng.
Tại Lễ phát động, đại diện Ban Giám khảo của Cuộc thi đã công bố Quy chế và Điều lệ của Cuộc thi. Theo đó, Cuộc thi mở rộng tới mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, không phân biệt độ tuổi và ngành nghề. Các tác giả có thể dự thi theo hình thức cá nhân tự do hoặc theo nhóm.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng trong 17 mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Triển khai mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Việt Nam xác định đây là một mục tiêu quan trọng và đưa sản xuất và tiêu dùng bền vững vào kế hoạch quốc gia thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, năm 2020, tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm triển khai Chương trình hành động quốc gia, trong đó, hỗ trợ các tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia; Xây dựng các định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong sản xuất; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế bao bì và sản phẩm để tuần hoàn nguyên nhiên liệu; Xây dựng các mô hình và hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Xây dựng và hướng dẫn các mô hình kinh tế tuần hoàn; Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao năng lực về sản xuất và tiêu dùng bền vững.