Phục tráng thành công giống nếp cái hoa vàng Kinh Môn
Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã phục tráng thành công và hoàn thành quy trình kỹ thuật gieo cấy giống lúa nếp cái hoa vàng. Kết quả này được đưa ra tại hội thảo đầu bờ tổ chức sáng 26/10 tại phường Hiến Thành (Kinh Môn).
Cụ thể, trong các năm 2021, 2022, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã phục tráng xong giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Năm 2023, đơn vị tiếp tục xây dựng mô hình khai thác và phát triển bền vững giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng với diện tích 125 ha. Lúa nếp cái hoa vàng sau phục tráng có khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và rầy nâu, ít nhiễm bạc lá và khô vằn, khả năng chống đổ khá. Độ dài bông đồng đều, chiều dài bông trung bình 24 cm, hạt tròn bầu, gạo trắng, tỷ lệ gạo nguyên cao, gạo nấu lên thơm, bóng, dẻo và vị đậm hơn so với nếp cái hoa vàng Kinh Môn thông thường. Năng suất lúa đạt từ 40 – 45 tạ/ha, cao hơn từ 10 – 15%; hiệu quả kinh tế đạt 2,3 triệu đồng/sào, cao hơn 300.000 đồng/sào so với nếp cái hoa vàng thông thường.
Nếp cái hoa vàng Kinh Môn là loại gạo đặc sản và có chất lượng vượt trội so với các giống gạo nếp khác. Tuy nhiên, do phương pháp để giống và canh tác cổ truyền nên năng suất lúa thấp và lẫn giống do trồng cùng với nhiều loại lúa khác dẫn đến chất lượng gạo suy giảm. Việc phục tráng thành công giúp bảo tồn nguồn gen, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho giống nếp đặc sản này.