Nhân tài phải được trọng dụng, đãi ngộ
Người tài được tuyển dụng sẽ ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn; ưu tiên xem xét, lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Cần thiết và cấp bách
Bộ Nội vụ cho biết một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là không ngừng phát huy nhân tố con người mà trước hết là đội ngũ nhân tài. Đội ngũ này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo những đột phá trong tiến trình xây dựng đất nước, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam cần có sự chuyển mình mạnh mẽ để trở thành quốc gia đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Do vậy, Bộ Nội vụ khẳng định việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết và cấp bách.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết theo dự thảo Nghị định, các nhóm được chú trọng tìm kiếm tài năng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công; người Việt Nam khu vực tư; nhà khoa học trẻ, sinh viên, học sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong và ngoài nước. Người tài cần có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ của ngành, địa phương.
Về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, Bộ Nội vụ đề xuất tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; ưu tiên ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với việc trọng dụng người có tài năng là công chức, viên chức, người lao động, Bộ Nội vụ đề xuất các chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc... Trong đó có quy định được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn; tôn vinh, khen thưởng, ưu tiên xem xét, lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực công tác không phụ thuộc vào số năm công tác...
Về đãi ngộ, Bộ Nội vụ đề xuất hằng tháng người tài được hưởng khoản tiền khuyến khích bằng 100% mức lương hiện hưởng. Người tài cũng được ưu tiên nâng lương trước thời hạn hoặc nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tiếp. Khi đến tuổi hưu, nếu họ đủ sức khỏe, tự nguyện tiếp tục làm việc và đơn vị công tác có nhu cầu thì sẽ được xem xét kéo dài thời gian công tác không quá 5 năm, giữ nguyên chức vụ đảm nhiệm.
Nhà khoa học, sinh viên, học sinh, người tài từ khu vực tư được thu hút vào khu vực công cũng được hưởng tiền khuyến khích tối thiểu bằng 100% mức lương. Tiền khuyến khích có thể cao hơn do lãnh đạo đơn vị sử dụng quyết định, căn cứ theo nguồn kinh phí của đơn vị.
Đối chiếu thực tế, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhìn nhận nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài chủ yếu được sử dụng trong khu vực tư nhân hơn là khu vực công vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thu nhập, chế độ đãi ngộ tương xứng với năng lực. Việc thu hút, trọng dụng những người tài năng trong khu vực công đang bị ràng buộc bởi nhiều quy định về tuyển dụng, sử dụng, bậc lương...
Cần môi trường làm việc phù hợp
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, nhấn mạnh việc Chính phủ xây dựng chính sách thống nhất cho khu vực công để thu hút, trọng dụng người có tài năng là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, chế độ đãi ngộ, mức thu nhập là yếu tố cần được quan tâm bởi thực tế hiện nay, chế độ chưa tương xứng khiến khó giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó khuyến khích các cơ quan phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước trên tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ. Vì vậy, bên cạnh các chế độ đãi ngộ xứng đáng, cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, cởi mở, mở ra cơ hội học tập, thăng tiến để đủ sức hấp dẫn người có tài năng.
TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính - nhà nước (ĐH Luật Hà Nội), cũng cho rằng cần có chế độ đãi ngộ thích đáng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh mức lương, chế độ đãi ngộ phù hợp thì các chính sách này còn phải hướng tới việc tạo môi trường làm việc tốt, phải bảo đảm nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài. Hiện chúng ta chú trọng khâu thu hút nhưng lại chưa quan tâm đúng mức khâu bố trí, sắp xếp, sử dụng nhân lực chất lượng cao.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, dự thảo cũng quy định rõ về các điều kiện xem xét, xác định người tài năng. Trong đó, với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải có thời gian công tác liên tục trong hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp từ 5 năm trở lên. Đồng thời, được cơ quan có thẩm quyền phân loại đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục trong thời gian 3 năm gần nhất; đạt thành tích, công trạng theo yêu cầu của ngành, lĩnh vực, địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý quy định.
Đối với các đối tượng được thu hút cần có thời gian làm việc trong ngành, lĩnh vực chuyên môn phù hợp theo yêu cầu của ngành, lĩnh vực, địa phương từ 3 năm trở lên. Bên cạnh đó, cần có sản phẩm đề án, công trình nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, được đánh giá đạt hiệu quả phù hợp theo yêu cầu của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bổ nhiệm xét trên hiệu quả công việc
TS Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng môi trường làm việc trong lĩnh vực công thường thiếu tính năng động, nhiều nơi quản lý hành chính quan liêu đã làm hao hụt trí tuệ, giảm đi sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của người tài. Nhân lực chất lượng cao cần được giao nhiệm vụ tương xứng và phù hợp; được tôn trọng, ghi nhận, tôn vinh cống hiến, việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ, cơ hội thăng tiến trong công việc cần xét trên hiệu quả công việc.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Tạo môi trường bình đẳng, minh bạch
Bên cạnh việc có chính sách, chế độ để thu hút, trọng dụng nhân tài, cần kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những người có tài năng để cống hiến cho khu vực công. Chúng ta cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để cải thiện môi trường, điều kiện làm việc tại các đơn vị công lập nói chung, để những người có tài năng phát huy được sở trường, thế mạnh. Để làm được điều này, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải thể hiện trách nhiệm, tạo môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng và chuyên nghiệp.
Với những chính sách đang đề xuất ở trên, cần lưu ý xây dựng tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đúng những đối tượng nào là người có tài năng. Trong dự thảo Nghị định cũng đã có nội dung về điều kiện xem xét, xác định người có tài năng, tránh việc đánh đồng, thậm chí là trục lợi chính sách, cài cắm người vào bộ máy.
Ông Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa:
Tháo gỡ vướng mắc về ngân sách
Từ năm 2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 11-12-2022 nhằm thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023-2025.
Theo nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa có chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập cấp tỉnh. Khi về làm việc, các bác sĩ sẽ được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 1 lần với số tiền cao nhất là 1,3 tỉ đồng, thấp nhấp là 180 triệu đồng. Những người này phải cam kết làm việc ít nhất từ 5 - 10 năm...
Chính sách thu hút bác sĩ theo Nghị quyết 02 dù được triển khai nhưng vẫn đang vướng Luật Ngân sách nhà nước. Chúng tôi kỳ vọng khi có một chính sách chung về thu hút, trọng dụng người có tài năng mà Chính phủ ban hành, sẽ tháo gỡ được các vướng mắc này.