Chi phí chiến tranh đè nặng lên con đường tăng trưởng kinh tế của Israel
Trong khi Israel đang chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ gây tranh cãi suốt nhiều ngày qua ở Dải Gaza, các nhà phân tích đã chú ý đến tình hình kinh tế của đất nước này.
Nhật báo Izvestia của Nga lưu ý nền kinh tế Israel đã tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, song viễn cảnh về một cuộc xung đột quân sự kéo dài chắc chắn sẽ mang đến những thay đổi đáng kể.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất Israel, ngân sách nước này đã giảm 4,6 tỷ shekel (1.132 tỷ USD) kể từ ngày xung đột nổ ra 7/10. Nguyên nhân gây ra tình trạng này không phải là chi tiêu quốc phòng quá nhiều, mà do quyết định huy động hàng loạt quân dự bị của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Ước tính, IDF đã huy động khoảng 360.000 người.
Việc ngân sách sụt giảm nhanh chóng sau đó đã kéo theo một số chỉ số kinh tế quan trọng đi xuống. Tình hình chiến sự cũng đang ảnh hưởng đến chỉ số chứng khoán. Chỉ số Tel Aviv 35 của cổ phiếu blue chip (cổ phiếu của các công ty đầu ngành) đã giảm 9%. Đồng shekel đã suy yếu 15%.
Mặc dù tổng mức chi tiêu ngân sách hiện được ước tính là 2-3% nhưng dự báo đó rõ ràng sẽ được xem xét lại. Một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn tiềm tàng sẽ trở thành yếu tố tiêu cực nhất đối với cả nền kinh tế Israel và nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich ngày 25/10 khẳng định ngân sách quốc gia năm 2023-2024 cần điều chỉnh do chi phí phát sinh từ cuộc xung đột bất ngờ bùng phát tại Dải Gaza.
Trước đó, S&P Global đã hạ dự báo triển vọng kinh tế của Israel từ mức ổn định xuống mức âm. Ông Smotrich cho rằng việc S&P Global hạ dự báo triển vọng kinh tế Israel phát đi tín hiệu báo động.
Sự hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Israel cũng là một vấn đề quan trọng. Chuyên gia về Trung Đông Andrey Ontinov cho biết: “Mỹ là một trong những nhà tài trợ và nguồn cung cấp quân sự cùng với các hỗ trợ khác cho Israel. Và chúng ta đã thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu tăng tài trợ”. Tuy nhiên, theo ông Ontinov, quy mô tương lai của sự hỗ trợ này sẽ gây tranh cãi, vì Mỹ cũng đang đồng thời viện trợ cho các thể chế của Palestine ở Bờ Tây và Gaza.
Ông Dmitry Suslov, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu tại Trường Kinh tế Cao cấp (Đại học HSE), nhận định nhu cầu hỗ trợ của Israel sẽ tăng lên trong thời gian tới. Theo quan điểm của ông, trước nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông, vấn đề cung cấp viện trợ cho các đồng minh sẽ được Quốc hội Mỹ quan tâm.
“Ngay sau khi bầu được Chủ tịch Hạ viện, cơ quan này chắc chắn sẽ phân bổ kinh phí để hỗ trợ Israel, nhưng tôi không nghĩ rằng dự luật của Nhà Trắng về việc kết hợp viện trợ Israel với viện trợ Ukraine sẽ được thông qua. Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đang phản đối điều này”, nhà phân tích này lưu ý.
Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).