Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Litva
Chiều 25/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Litva Gabrielius Landsbergis đang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25 - 26/10/2023.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh chuyến thăm cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Việt Nam và Litva thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Litva phát triển hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Lithuania, một đối tác bạn bè truyền thống tại khu vực Trung Đông Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam và chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp đoàn; bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được thời gian qua, đồng thời khẳng định Litva mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, đối tác ưu tiên của Litva tại Đông Nam Á.
Trao đổi về quan hệ song phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis; đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis chuyển lời mời thăm chính thức Việt Nam của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Tổng thống và Thủ tướng Litva.
Về kinh tế - thương mại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn hai bên khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của nhau. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Litva tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông, lâm và thủy sản của Việt Nam, nhất là gạo và trái cây theo mùa có mặt ngày càng nhiều hơn trên thị trường Litva.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn Litva đã tích cực ủng hộ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), đồng thời đề nghị Litva thúc đẩy các nước thành viên còn lại của EU sớm thông qua Hiệp định EVIPA cũng như đóng góp tiếng nói ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phát triển nghề cá bền vững và thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng trao đổi với Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis về một số biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, năng lượng, chống biến đổi khí hậu, giáo dục - đào tạo nông nghiệp…, trong đó có việc sớm đàm phán, ký kết một số thỏa thuận hợp tác nhằm tạo khuôn khổ pháp lý tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Litva nhất trí với đánh giá của Thủ tướng Chính phủ về tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng như phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong gian tới; cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan hai nước để cụ thể hóa các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, quyết tâm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis đề nghị phía Việt Nam xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Litva vào thị trường Việt Nam.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc.