Y tế - Sức khỏe

6 nguyên nhân tăng đường huyết

Theo VnExpress 25/10/2023 19:00

Ngoài ăn uống thực phẩm nhiều đường và tinh bột, mất ngủ, căng thẳng và mất nước có thể khiến lượng đường trong máu tăng.

Tiêu thụ nhiều thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao là nguyên nhân phổ biến gây tăng đường huyết. Tuy nhiên, đôi khi lượng đường trong máu tăng cao không liên quan đến chế độ ăn mà có thể do một số nguyên nhân tiềm ẩn dưới đây.

Ốm hoặc căng thẳng

Cơ thể mệt mỏi do bệnh có thể gây căng thẳng. Stress làm tăng cortisol (hormone liên quan đến phản ứng căng thẳng) cùng với các tế bào gây viêm cytokine thúc đẩy quá trình phân giải glycogen và tạo mới glucose (đường). Điều này có thể làm giảm tác dụng kiểm soát đường huyết của insulin dẫn đến lượng đường tăng lên trong máu.

Người tiểu đường nên theo dõi đường huyết thường xuyên khi ốm. Ưu tiên chọn thực phẩm và đồ uống có lượng carbohydrate vừa phải, hạn chế các loại dạng lỏng như nước trái cây, soda hoặc cà phê có đường.

Mất nước

Mất nước có thể khiến máu cô đặc làm cho glucose trong máu tăng cao. Cơ thể thiếu nước có liên quan đến nồng độ hormone căng thẳng cortisol tăng cao, thúc đẩy giải phóng glucose.

Uống đủ nước có thể khắc phục tăng đường huyết trong trường hợp này. Người bệnh nên theo dõi màu sắc nước tiểu để nhận biết tình trạng thiếu nước. Nếu nước tiểu màu màu vàng nhạt tức là cơ thể đang đủ nước và uống thêm nếu có màu đậm hơn.

Đường huyết tăng đột ngột có thể do mất nước hoặc cơ thể trong trạng thái căng thẳng. Ảnh: Freepik

Đường huyết tăng đột ngột có thể do mất nước hoặc cơ thể trong trạng thái căng thẳng

Thuốc

Một số loại thuốc có thể làm tăng lượng đường trong máu, bao gồm steroid, thuốc chống trầm cảm, statin, thuốc lợi tiểu cho người bệnh tim mạch. Thuốc lợi tiểu làm tăng tần suất đi vệ sinh, giúp giảm huyết áp nhưng có thể làm tăng đường huyết do tình trạng cô đặc máu. Steroid có khả năng can thiệp vào việc tiết insulin từ tuyến tụy, dẫn đến lượng đường trong máu lưu thông cao hơn.

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu nhận thấy đường máu tăng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Bác sĩ tư vấn chọn thay thế ít tác động đến đường máu hơn.

Thay đổi hormone

Glucagon, amylin, epinephrine, cortisol là những hormone liên quan đến quá trình điều chỉnh lượng đường trong máu. Đường huyết ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể biến động nhẹ trong kỳ kinh nguyệt do nồng độ estrogen và progesterone đang ở mức cao. Khi mang thai, hormone do nhau thai tiết ra đôi khi cũng khiến lượng đường trong máu của thai phụ tăng.

Nữ giới có kế hoạch sinh con nên kiểm tra đường trong máu định kỳ để kiểm soát các nguy cơ và xử lý kịp thời nếu có vấn đề.

Bỏ bữa sáng

Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến tăng đường huyết cả ngày. Bữa sáng là bữa ăn quan trọng trong ngày, nếu bỏ qua có thể ức chế chức năng sản xuất insulin ở tuyến tụy. Người bệnh nên chọn những bữa ăn sáng cân bằng, chứa nhiều chất dinh dưỡng, ít carbs như trứng bác, salad rau bina và cà chua.

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ khiến các tế bào phản ứng kém với insulin, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Thư giãn trước khi đi ngủ giúp giấc ngủ ngon và không gián đoạn. Cùng với đó nên tạo không gian ngủ mát mẻ, không có ánh sáng. Không ăn uống quá gần giờ đi ngủ, hạn chế sử dụng điện thoại vì có thể gây gián đoạn trong đêm.

Theo VnExpress