Nhận nhà ở xã hội 2 năm vẫn chưa xong thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở
Nhiều hộ dân dù đã nhận nhà, về ở ổn định thì hồ sơ bị trả, bắt làm lại giấy xác nhận thực trạng nhà ở từ chính quyền nơi cư trú và chưa biết bao giờ xong.
5 năm vẫn chưa làm xong giấy xác nhận
Bà L.T.D và nhiều cư dân đang sinh sống trong chung cư nhà ở xã hội (NƠXH) tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cho biết vẫn đang loay hoay làm hồ sơ đăng ký mua nhà bởi hồ sơ trước đây chưa hợp lệ.
Theo bà D, bà đăng ký mua NƠXH từ năm 2019, dù đã nhận bàn giao nhà hai năm và ổn định cuộc sống tại chung cư NƠXH này nhưng 95% cư dân nơi đây vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ đăng ký mua nhà. Ngay khâu thủ tục đầu tiên đã gặp vướng mắc.
Bà D. cho hay, một trong những giấy tờ mà người mua NƠXH bắt buộc phải có là “xác nhận thực trạng nhà ở” của UBND cấp xã/phường nơi đăng ký thường trú/tạm trú”.
Để được xác nhận chưa sở hữu nhà ở, người làm hồ sơ phải cung cấp bản sao công chứng giấy chứng nhận nhà đất nơi thường trú/tạm trú cho UBND cấp xã/phường.
“Thủ tục này rất khó đáp ứng. Khi đang ở trọ, nếu muốn có giấy xác nhận thực trạng nhà ở thì chủ nhà trọ phải cho tôi một bản sao công chứng giấy chứng nhận nhà đất. Thử hỏi có bao nhiêu chủ nhà trọ sẵn lòng giúp đỡ người thuê trọ, cung cấp giấy tờ nhà đất quan trọng như vậy cho người lạ”, bà D. băn khoăn.
Sau nhiều lần nài nỉ, cuối cùng bà D. cũng được chủ nhà trọ hỗ trợ thủ tục này. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Sau khi nộp bản sao công chứng giấy chứng nhận nhà đất của chủ nhà trọ, bà D. được cán bộ UBND phường tại nơi tạm trú xác nhận “chưa sở hữu nhà ở tại phường” trong Mẫu đơn 04.
Nghĩ rằng đã xong nhưng sau đó Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trả hồ sơ của bà D. và cho biết UBND phường không được điền thêm thông tin gì khác, chỉ cần đánh dấu vào một trong các mục có sẵn trong Mẫu đơn 04.
“Tôi mang hồ sơ đến UBND phường đề nghị làm theo hướng dẫn của Sở Xây dựng. Tuy nhiên cán bộ phường nói chỉ xác nhận cho tôi chưa có nhà tại phường này thôi, còn việc tôi sở hữu nhà tại nơi khác hay không thì không thể xác nhận được”, bà D. chia sẻ.
Theo bà D, sở dĩ cán bộ UBND phường không thể xác nhận theo hướng dẫn của Sở Xây dựng bởi tại phần thực trạng nhà ở của Mẫu đơn 04 chỉ có duy nhất mục “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” dành để xác nhận cho các trường hợp chưa có nhà, đất.
Bà D. bức xúc rằng chỉ có việc xác nhận chưa sở hữu nhà ở nhưng hai cơ quan cứ đùn đẩy nên suốt nhiều năm qua bà vẫn chưa làm xong giấy xác nhận thực trạng nhà ở.
Quá trình làm hồ sơ mua NƠXH, bà N.T.H (ngụ TP Thủ Đức) cho biết có quy định không phù hợp thực tế, đó là “hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình”.
Theo bà H, bà và em gái có cùng hộ khẩu, nhưng cả hai đều đã lập gia đình riêng. Em gái bà H. đã mua một căn hộ NƠXH tại TP Thủ Đức vào năm 2017. Gần đây, khi bà H. làm hồ sơ mua NƠXH thì không được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh giải quyết.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trả lời do bà H. cùng hộ gia đình với em gái và “mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ NƠXH một lần theo quy định tại Điều 52, Luật Nhà ở năm 2014”.
“Vì quy định trên nên em gái tôi phải tách khẩu. Sau đó tôi phải làm lại hồ sơ đăng ký mua NƠXH từ đầu. Đến thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở thì lại ách tắc vì UBND phường không chịu xác nhận theo yêu cầu của Sở Xây dựng”, bà H. bức xúc.
Cần có hướng dẫn lại
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều phản ánh của các chủ đầu tư dự án lẫn người mua NƠXH về việc xác nhận thực trạng nhà ở.
Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng quy định, UBND cấp xã/phường nơi người mua NƠXH đăng ký thường trú/tạm trú từ một năm trở lên có trách nhiệm xác nhận thực trạng nhà ở và xác nhận người được mua NƠXH chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết người mua NƠXH đều khai “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”.
Tuy nhiên, thực tế nhiều UBND cấp xã/phường không xác nhận theo mẫu vì cho rằng địa phương chỉ xác nhận đương đơn có sở hữu nhà hay không tại nơi thường trú/tạm trú. Có trường hợp UBND cấp xã/phường chỉ xác nhận bằng chữ ký hoặc chỉ xác nhận đương đơn tự cam kết và tự chịu trách nhiệm.
Những xác nhận như trên của UBND cấp xã không đúng theo yêu cầu của Thông tư 09/2021. Nhưng nếu yêu cầu phải xác nhận đúng theo mẫu thì sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương và gây ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký mua NƠXH của người dân.
Với những vướng mắc nói trên, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có văn bản trình để UBND Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn lại việc xác nhận thực trạng nhà ở hoặc chấp nhận xác nhận của UBND cấp xã/phường theo hướng đương đơn tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp và sẽ bị thu hồi nhà nếu thông tin không đúng.
Về xác định thành viên hộ gia đình để xác nhận “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”, theo quy định của Nghị định 104/2022 thì: “Hộ gia đình, cá nhân là người có tên trong cùng hộ gia đình đăng ký thường trú”.
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế, hộ gia đình có thể gồm nhiều gia đình nhỏ hoặc trong hộ gia đình chỉ có vợ, chồng và con đăng ký thường trú hoặc người ở nhờ cũng đăng ký thường trú.
Việc quy định “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” sẽ dẫn đến hộ gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú khó được hưởng chính sách về NƠXH.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn theo hướng xác định hộ gia đình chỉ gồm cha, mẹ và con chưa thành niên, để tạo điều kiện cho các trường hợp khó khăn về chỗ ở được mua NƠXH.