Sẽ xây dựng 10 sân bay bằng vốn tư nhân?
Ngoài sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động do doanh nghiệp tư nhân đầu tư khai thác, thời gian tới dự kiến có thêm 9 sân bay nữa chào mời vốn xã hội hóa.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện một số nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó có nhiệm vụ về rà soát, thực hiện xã hội hóa các dịch vụ hàng không, cảng hàng không chặt chẽ, đúng quy định.
Bộ GTVT cho biết, nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo quy hoạch rất lớn, nên chủ trương huy động vốn xã hội để đầu tư rất cần thiết. Chủ trương này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực vào sân bay. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong thời gian qua, trên cơ sở đề xuất của một số địa phương, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư một số cảng hàng không mới theo phương thức đối tác công - tư, gồm các sân bay: Vân Đồn (Quảng Ninh, đã đưa vào khai thác), Phan Thiết (Bình Thuận, đã thi công một số hạng mục), Sa Pa (Lào Cai, đang chọn nhà đầu tư), Quảng Trị (đầu tư thời gian tới).
Bên cạnh đó, một số sân bay hiện có đang khai thác dân dụng, quân sự, hoặc dừng khai thác cũng được Chính phủ lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thế khả năng khai thác, nghiên cứu thực hiện xã hội hóa. Cụ thể, nghiên cứu khai thác lưỡng dụng kết hợp dân sự tại sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai); lên phương án kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay Nà Sản (Sơn La, đang dừng khai thác), Vinh (Nghệ An, đang khai thác), Chu Lai (Quảng Nam, đang khai thác), Cần Thơ (đang khai thác) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.
Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, trong đó có đánh giá kết quả xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đề xuất giải pháp tổng thể trên cơ sở khoa học, thực tiễn, để huy động vốn xã hội đầu tư vào sân bay.
Dự thảo đề án trên đã được Bộ GTVT trình Chính phủ vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, do vai trò đặc biệt về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng trời; phục vụ khẩn nguy, cứu trợ, phục vụ vận tải hành khách công cộng… nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện đề án.
Bộ GTVT cho biết tới nay đã cơ bản hoàn thiện đề án và báo cáo cấp có thẩm quyền. Khi đề án được thông qua, trên cơ sở Chính phủ giao, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện quy định làm cơ sở thực hiện.
Trước mắt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2021/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, trong đó quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cảng trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay. Quy định trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đầu tư theo kế hoạch được duyệt, Bộ GTVT sẽ đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp.
Bộ GTVT cũng ban hành Thông tư 23/2021/TT-BGTVT và Thông tư 12//2023/TT- BGTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay.