Ứng xử của người nổi tiếng
Từ câu chuyện của người mẫu Ngọc Trinh lại một lần nữa cho thấy nghệ sĩ, người nổi tiếng càng cần gương mẫu thực hiện chuẩn mực ứng xử có văn hóa và tôn trọng pháp luật.
Mấy hôm nay, câu chuyện người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam, chờ khởi tố vì một trò lố khi tham gia giao thông được đăng tải lên mạng xã hội thu hút nhiều người quan tâm. Qua vụ việc này cho thấy ứng xử chuẩn mực của nghệ sĩ, nhất là người nổi tiếng thật đáng suy ngẫm.
Ngày 6/10, Ngọc Trinh chạy xe mô tô “diễn xiếc" trên đường đoạn qua khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Không chỉ biểu diễn lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, quỳ gối trên yên xe, thả 2 tay… cô còn quay video rồi đăng tải lên mạng xã hội cổ xúy cho hành động thiếu tôn trọng pháp luật này. Các video đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ. Ngọc Trinh cũng không có giấy phép lái xe hạng A2. Chiếc xe phân khối lớn tưởng là tiền tỷ, sự thật lại là xe lậu, xe gian. Ngay cả khi bị cơ quan công an triệu tập cô còn cho biết không hình dung là mình vi phạm pháp luật nghiêm trọng như thế!?
Ngọc Trinh từng phát ngôn gây sốc "em đẹp em có quyền". Nhưng không phải cứ nghệ sĩ, người đẹp… là có quyền bỏ qua những chuẩn mực về đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Từ câu chuyện của Ngọc Trinh cho thấy cần áp dụng triệt để Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành cách đây hai năm trước. Bộ quy tắc được xem là thước đo chuẩn mực hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong nghề nghiệp, với đồng nghiệp, công chúng, khán giả trên báo chí, truyền thông, không gian mạng hay khi tham gia các hoạt động khác... Nhưng xem ra, bộ quy tắc này 2 năm qua vẫn chưa được áp dụng hiệu quả. Đâu đó vẫn có những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, lối sống… tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến những người hoạt động nghệ thuật chân chính và câu chuyện của người mẫu trên là một ví dụ.
Đã là người của công chúng thì càng phải có ý thức về việc ứng xử đúng, trao truyền những giá trị sống tích cực và nhất là phải tuân thủ pháp luật, giúp cộng đồng, những người yêu mến mình cùng thực hiện tốt các quy định đó. Xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt công chúng vốn không dễ và làm tốt ngay được trong một sớm một chiều. Chính vì vậy, nghệ sĩ đừng đánh mất hình ảnh của mình trong lòng công chúng. Mỗi người cần trở thành “đại sứ văn hoá” của địa phương và rộng hơn là cả dân tộc Việt. Hiện nay, hầu hết những người nổi tiếng đều có ê kíp truyền thông, công ty quản lý. Đây là xu thế tất yếu để hướng đến sự chuyên nghiệp. Khi người nổi tiếng hoạt động nghệ thuật không còn giới hạn ở phạm vi trong nước mà tiến ra cả nước ngoài, kỹ năng giao tiếp phải theo quy chuẩn quốc tế.
Ở Hàn Quốc có hẳn một trường đào tạo văn hóa ứng xử, giao tiếp của nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc để được ra mắt lần đầu trước công chúng, thời gian đào tạo kéo dài hàng năm với giáo trình chuyên nghiệp, khắt khe.
Đầu tháng 6/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành "Bộ tiêu chí ứng xử văn minh nơi công cộng trên địa bàn tỉnh". Bộ tiêu chí là thước đo cách ứng xử của tổ chức, cá nhân tại những nơi công cộng. Đây cũng là một trong những việc làm cụ thể để xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình số 22 - Ctr/TU ngày 19.8.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Không chỉ người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tới cộng đồng, mỗi người cần tuân thủ và thực hiện tốt các quy tắc ứng xử mới có thể trở thành những công dân văn hóa.