Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng ô nhiễm vào mùa khô. Một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt quá ngưỡng chịu tải của môi trường...
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn thải nước thải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và các nguồn thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải gồm (nước thải công nghiệp, từ hộ chăn nuôi, làng nghề, từ các cơ sở y tế, dân sinh). Ngoài ra, đầu hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, sinh hoạt dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua địa bàn thành phố Hà Nội. Đây được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện nay.
Qua kiểm tra, đánh giá, hiện nay, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có hai nguồn ô nhiễm chính là nước thải sinh hoạt với 72% chưa được xử lý, ngoài ra còn có nguồn ô nhiễm từ các cơ sở chăn nuôi, làng nghề và một lượng nhỏ từ các cụm công nghiệp. Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an đã xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chỉ là mức độ xử phạt hành chính, cần có sự quyết liệt tham gia hơn nữa từ các địa phương.
Tổng lượng nước xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 439.000 m3/ngày đêm; trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 317.300 m3/ngày đêm, hầu hết chưa qua xử lý. Nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 71.155 m3/ngày đêm đều được thu gom, xử lý tập trung. Nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ bên khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi hầu hết đều xả trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra 835 cơ sở xả nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền khoảng 25,7 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến tháng 7/2023, lực lượng Công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 562 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 19,2 tỷ đồng; lập danh sách 405 điểm xả nước thải chính với lưu lượng 5 m3/ngày đêm trở lên; lập hồ sơ quản lý, theo dõi 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế và có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh về tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; quản lý, xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh yêu cầu sự vào cuộc sâu sát, hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thông qua cuộc khảo sát và buổi làm việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xây dựng đề án về xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Các địa phương, đơn vị chuyên môn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để quản lý các nguồn thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, lắp đặt các mạng lưới quan trắc nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và duy trì quan trắc thường xuyên, từ đó chỉ ra nguồn thải và có báo cáo định kỳ. Cùng với đó, kiểm soát chặt các dự án đầu tư, khu sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; thanh, kiểm tra những dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với những dự án, cơ sở mới, bắt buộc phải có hệ thống thu gom, xử lý, yêu cầu những khu vực làng nghề cũng phải tuân thủ theo những quy định này.
Trước đó, tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương phải có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.
Các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện gồm: Quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường…
Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn hệ thống Bắc Hưng Hải là mô hình thí điểm để xử lý và có phương án, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn trên cả nước.
Riêng đối với TP Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung khẩn trương huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn trước khi thải ra sông Cầu Bây, sau đó ra hệ thống Bắc Hưng Hải.