Cấp thiết quản lý thuốc lá mới
Dù không được phép thương mại hóa, nhưng thuốc lá mới vẫn đang tràn ngập thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.
Do vậy, việc sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thuốc lá mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Khoảng trống trong quy định về thuốc lá mới
Những năm gần đây, việc sử dụng nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử) đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện vẫn đang thiếu các chế tài quản lý đối loại loại sản phẩm này.
Theo ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), sản phẩm thuốc lá mới, dù chưa được cho phép thương mại hóa, chưa thống nhất về cách thức quản lý, song vẫn được bày bán trên thị trường chợ đen và hầu hết được nhập lậu.
Theo đại diện Bộ Công thương, việc sử dụng thuốc lá mới nhập lậu không chỉ khiến Nhà nước không thu được thuế, mà còn khiến người dân sử dụng sản phẩm không được quản lý về chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới (cả 2 loại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng). Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phân tích, Việt Nam vẫn đang có khoảng trống trong quy định pháp luật. Cùng với đó, quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn trong nhận thức do vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch khi mới tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới, chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định.
Còn Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) Lê Đại Hải cho hay: “Vấn đề không phải do luật, mà là có khoảng trống trong quy định điều kiện kinh doanh thuốc lá mới”. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đã nghiêm cấm trẻ em dưới 18 tuổi hút thuốc lá, không phân biệt thuốc lá truyền thống hay thuốc lá mới.
Cần giải pháp quản lý hài hòa lợi ích các bên
Đánh giá về đề xuất cấm thuốc lá mới để bảo vệ thế hệ trẻ, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích: Hướng tiếp cận cấm sản phẩm chỉ đang đi vào khía cạnh sức khỏe cộng đồng, trong khi thuốc lá là vấn đề liên quan đến mọi mặt xã hội, quy luật cung cầu của hàng hóa, sự phát triển kinh tế thị trường và cả hệ thống pháp luật hiện hành.
Từ những năm 1998 – 1999 khi cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá điếu và sau đó là ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (2012), ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, cần giải pháp đồng bộ như trước đây đã thực thi với thuốc lá điếu. "Phải hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng dân cư – thế hệ trẻ, lợi ích của doanh nghiệp”, ông Kiên đề xuất.
Đại diện Bộ Công thương, ông Cao Trọng Quý, cho biết: Hiện đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối ASEAN... Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này còn khác nhau giữa các nước, nhưng điểm chung đều áp dụng quy định theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Cùng quan điểm, ông Vũ Công Thảo, chuyên viên Cấp cao Vụ Khoa giáo văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho biết, nếu trên thế giới đã có 185 quốc gia quản lý thuốc lá mới, Việt Nam không thể đứng ngoài bối cảnh quốc tế. Đồng thời, việc kiến nghị nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm này thuộc phạm vi của Bộ Công Thương.