Đơn hàng cải thiện, tăng tuyển dụng lao động
Những tháng cuối năm 2023, thị trường lao động ghi nhận những tín hiệu tích cực khi vẫn có những doanh nghiệp tìm kiếm được đơn hàng mới, từ đó tăng tuyển dụng...
Những tín hiệu khởi sắc
Đánh giá thị trường lao động những tháng qua, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng. Nhờ tốc độ tăng ở một số ngành đã giúp giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống trong thời gian qua. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 748.900 người. Trong quý IV/2023, có 37,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 39,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 23,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm đơn hàng. Còn về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 30,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 44,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 24,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Doanh nghiệp tìm kiếm được đơn hàng kéo theo nhu cầu tuyển dụng ở quý cuối năm 2023 cũng có những tín hiệu khởi sắc.
Ghi nhận qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các địa phương phía Bắc gần đây cũng cho thấy,một số địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình có số lượng tuyển lao động nhiều. Trong đó, Bắc Giang luôn là một trong những tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng với số lượng lao động lớn nhất, thường vài nghìn chỉ tiêu mỗi phiên, thậm chí có thời điểm 16.000 - 17.000 chỉ tiêu. Các vị trí cần tuyển dụng nhiều là nhóm công nhân sản xuất, điện tử, may mặc...
Tại Hà Nội, ở thời điểm những tháng cuối năm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng cao ở một số lĩnh vực. Theo quan sát của đơn vị này, cũng như thông qua hoạt động thu thập thông tin, phản hồi trực tiếp từ các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, thương mại - dịch vụ vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng nhiều lao động; tiếp đến là nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo. Các lĩnh vực ngành nghề hoạt động khác như xây dựng, tài chính - ngân hàng, văn phòng cũng sẽ tăng tuyển dụng. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian qua có nhu cầu tuyển dụng lớn thì vẫn tiếp tục xu hướng này…
Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi, song Bộ LĐTBXH, thị trường lao động chưa cải thiện nhiều về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày..., dẫn đến nguy cơ lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, thuộc Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, 9 tháng qua, công đoàn Hà Nội thống kê khoảng 7.560 lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đáng chú ý là thị trường lao động có sự dịch chuyển rất nhanh. “Đang có làn sóng dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức rất lớn. Những công nhân đang làm việc trong nhà máy có xu hướng chuyển ra ngoài làm, thậm chí là dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp với nhau”, ông Dưỡng cho biết.
Mặc dù vậy, đại diện Công đoàn Hà Nội nhận định, nhìn chung quan hệ lao động trên địa bàn vẫn tương đối ổn định dù Hà Nội tập trung rất nhiều doanh nghiệp, đông công nhân. Từ đầu năm đến nay, thành phố chưa ghi nhận cuộc đình công nào, trong khi trước đó có những thời điểm một năm xảy ra 40 cuộc đình công...
Lao động tìm cách thích ứng
Theo Báo cáo Thực trạng nhân sự ngành sản xuất được Navigos công bố mới đây, ít nhất 50% doanh nghiệp sản xuất đối mặt với sụt giám doanh thu. Phần lớn doanh nghiệp dự báo cần ít nhất 12 tháng để thị trường có thể hồi phục trở lại.
Để vượt qua khó khăn, trung bình 38 - 38,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ lựa chọn đổi sách giảm giờ làm và cắt giảm nhân sự. Trong đó, với giải pháp cắt giảm nhân sự, ít nhất 59% số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ thực hiện cắt giảm dưới 10% lực lượng nhân sự, thậm chí ở một vài lĩnh vực, doanh nghiệp lên kế hoạch cắt giảm nhân sự trên 40%.
Chia sẻ tại chương trình “Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế” được Viện Quản trị và Công nghệ FSB mới đây, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết, nếu như trước đây, một ứng viên được đánh giá ở mức 5 - 6 điểm/10 điểm đã có thể được các doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy nhiên, hiện tại, những ứng viên này hầu như không còn cơ hội, trong bối cảnh doanh nghiệp xiết chặt việc tuyển dụng và yêu cầu cao hơn. Do đó, họ chỉ chấp nhận những ứng viên ở mức từ 8 - 9 điểm, với những bộ kỹ năng đáp ứng tốt cả cho công việc trong tương lai.
Theo Navigos, để duy trì lợi thế cạnh tranh, nhiều lao động lựa chọn xây dựng một kế hoạch nâng cao năng lực bản thân. Trong đó, 39% người lao động chọn nâng cao kỹ năng quản lý, 29% chọn nâng cao kỹ năng quản lý tài chính và 24% chọn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, hiện FPT đang có khoảng 27 trường cao đẳng. Bởi vì, trong bối cảnh robot đang dần thay thế con người, khiến nhiều công nhân thất nghiệp khi còn rất trẻ. Do đó, những người này cần được đào tạo lại, biết nghề nhiều hơn.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng cho rằng, không chỉ các công nhân, mà ngay cả nhà báo hay lập trình viên cũng đang bị AI dần thay thế. Vì vậy, họ sẽ cần phải đi học lại, khi mà thị trường lao động giờ đang yêu cầu ở một trình độ cao hơn cùng với những kiến thức chuyên sâu.
Do đó, người lao động hay nhắc đến 2 khái niệm là “up-skill” và “re-Skill”. Với up skill – nâng cấp kiến thức, lựa chọn phục vụ đúng chuyên môn của mình. Mọi người nên theo học và chọn lựa những đơn vị tốt.
Còn với “re-skill” - những người thất nghiệp từ ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp, robot, AI… và cần học thêm những kiến thức mới, thì cần xác định xem xã hội hiện tại và tương lại cần gì, cũng như xem khả năng của bản thân có theo được những ngành nghề đó không. Từ đó, xác định môn học/khoá học phù hợp để nâng cấp bản thân.