Vụ anh em "đại gia" lan đột biến khai thác 3 triệu tấn than lậu: Nữ giám đốc kêu oan
Nói lời sau cùng, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty Yên Phước) kêu oan, yêu cầu tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án khai thác than lậu xảy ra tại Thái Nguyên.
Sau 12 ngày làm việc và tạm dừng để triệu tập thêm một số người tham gia tố tụng khác, ngày 20/10, phiên tòa xét xử hai anh em "đại gia" lan đột biến và 31 bị cáo trong vụ án khai thác than lậu tại Thái Nguyên kết thúc phần tranh luận.
Tòa nghị án kéo dài và sẽ tuyên án chiều 27/10.
Nữ "đại gia" kêu oan
Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty Yên Phước) cùng 8 cựu nhân viên cấp dưới liên tục kêu oan, đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Bà Linh cho hay bỏ hàng trăm tỉ đồng đầu tư vào mỏ than nhưng khi khai thác lại phát hiện mỏ có nhiều đá xít, đá phế thải.
"Tôi oan cả hai tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Tôi bị oan và muốn chứng minh điều này, mong HĐXX trả hồ sơ", bà Linh phân trần.
Trong khi đó, hai anh em "đại gia" chơi lan đột biến là Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (cổ đông Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) và các bị cáo còn lại thừa nhận hành vi phạm tội, mong HĐXX khoan hồng.
Viện kiểm sát cáo buộc, năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn/năm.
Đầu năm 2019, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh "bán cái" toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty Đông Bắc Hải Dương của hai anh em "đại gia" Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang.
Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn/năm (gấp 47 lần trữ lượng được cấp phép), và trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước với mức giá 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen.
Kết quả điều tra xác định từ tháng 7-2018 đến tháng 8/2021, nhóm của Thanh và Giang đã khai thác hơn 3 triệu tấn than lậu cùng khoáng sản đi kèm, trong đó có 2,7 triệu tấn than và 420.000m3 bã sàng cùng đá đen.
Viện kiểm sát: Hình sự hóa vụ án là có căn cứ
Tại phần tranh luận, luật sư Nguyễn Đình Giá và Trần Đình Triển (cùng bào chữa cho bị cáo Linh) cho rằng về vấn đề giám định, quy chuẩn xác định có 4 chủng loại than: than cục, than cám, than bùn tuyển và than không phân cấp.
Tuy nhiên, tại 5 bãi tập kết trên địa bàn Thái Nguyên và Hải Dương, kết luận giám định đều xác định là "chủng loại than dưới mức chất lượng than không phân cấp".
Đối đáp quan điểm trên, đại diện viện kiểm sát khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân công những giám định viên có kiến thức, kinh nghiệm, chịu trách nhiệm pháp lý.
"Tôi khẳng định kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường là có căn cứ đảm bảo tính khoa học, kết luận 3 triệu tấn đó là than. Còn cách gọi than hay xỉ hay xít, chỉ là cách gọi", viện kiểm sát nhấn mạnh.
Về quan điểm của luật sư cho rằng theo nghị định số 33/2017, khi khai thác vượt công suất được phép, doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền tối đa đến 500 triệu đồng. Từ đó, luật sư cho rằng Công ty Yên Phước không thể bị xử lý hình sự.
Đáp lại, viện kiểm sát cho hay khi xem xét hành vi khai thác vượt mức cho phép mà giá trị từ 500 triệu trở lên là phải chuyển sang vụ án hình sự, còn giá trị dưới 500 triệu mới được xử phạt hành chính.
Theo công tố viên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã lập bảng kê từng phiếu than, phiếu cân, số lượng than từng ngày, số xe, ghi rõ là than.
Từ đó, viện kiểm sát khẳng định hai công ty Yên Phước và Đông Bắc Hải Dương đã khai thác than vượt mức giá trị 500 triệu đồng, nên việc hình sự hóa vụ án là hoàn toàn có căn cứ.