Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo
Theo dự thảo Đề án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025, Hải Dương phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Chiều 20/10, đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố để nghe góp ý vào dự thảo lần thứ nhất Đề án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2025.
Theo dự thảo, đề án đặt mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, trọng tâm là khu vực nông thôn; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu nâng cao thu nhập cho người nghèo, bảo đảm cho hộ nghèo có mức thu nhập bình quân cao hơn chuẩn nghèo quốc gia theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Hải Dương cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Đề án đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gồm các chính sách về trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, đào tạo nghề và tạo việc làm; các chính sách hỗ trợ về dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, xây dựng công trình cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, tiếp cận thông tin. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 235 tỷ đồng.
Đa số các đại biểu đều nhất trí với việc ban hành đề án. Các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ hơn các đối tượng thuộc diện thụ hưởng các chính sách theo đề án, tránh việc trục lợi chính sách.
Các chính sách hỗ trợ cần tập trung nhiều hơn cho đối tượng không có khả năng lao động. Cần tính toán đến khả năng vay và trả nợ nguồn vốn vay xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, công trình nước sạch nông thôn của các hộ nghèo.
Không nên lồng ghép thực hiện Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" vào đề án này bởi hộ nghèo khó có điều kiện áp dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp...
Theo các đại biểu, vấn đề quan trọng nhất là trao "cần câu" cho người nghèo. Do đó, cần quan tâm hơn đến các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm để người nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, gửi góp ý tham gia vào đề án để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu, chỉnh sửa. Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh muốn thoát nghèo thì từng địa phương cũng phải không còn hộ nghèo. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các giải pháp giảm nghèo thiết thực, phù hợp với thực tiễn để bổ sung vào đề án.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc giảm nghèo và duy trì các biện pháp giảm nghèo là cả một quá trình chứ không phải chỉ trong 2 năm 2024-2025. Vì vậy, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo. Có thể phát động chương trình thi đua hỗ trợ người nghèo thoát nghèo.