Những "người mẹ" đặc biệt
Dẫu phải hứng chịu bao nhiêu vết cắn, vết cào thâm bầm trên da và nỗi vất vả vượt qua cả giới hạn của sự chịu đựng thì họ vẫn kiên trì đến cuối cùng. Họ là những "người mẹ" đặc biệt.
Nén đau giúp trò vượt qua cơn kích động
Cơ sở 2 của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập Ánh Dương nằm trên đường Đỗ Ngọc Du (TP Hải Dương). Đây là một trong những trung tâm chăm sóc, giáo dục trẻ gặp hội chứng tự kỷ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ có tiếng ở Hải Dương từ nhiều năm nay. Vừa tới nơi, đập vào tai tôi là những tiếng hét, gào của trẻ tự kỷ đang lên cơn kích động. Trong lớp, Nam (14 tuổi) đang khóc lóc, kêu gào ầm ĩ, lấy tay cào cấu vào mặt, cắn vào tay cô giáo Hoàng Thị Vân Trang. Chị Trang cố nhịn đau, nhẹ nhàng vỗ về rồi từ từ ôm cậu học trò vào lòng. Mất một hồi lâu, Nam mới trở lại bình thường.
Chị Trang đưa hai cánh tay chi chít những vết cắn, vết cào thâm bầm do học trò gây ra cho tôi xem. Những vết thương cũ chưa lành, mấy vết thương mới đã xuất hiện. Ở đây giáo viên ngày nào cũng bị thế nhưng đều quen cả rồi. Mấy chục trẻ ở cơ sở này mỗi cháu gặp một dạng tật khác nhau, đa số là bị tự kỷ, tăng động nặng. Không chỉ gào thét, các em còn cào cấu, tự cắn vào tay mình và những người xung quanh, dùng đầu húc vào cửa, bàn, phá phách đồ đạc...
“Khi trẻ lên cơn kích động, dù bản thân có bị cắn và cào cấu thì chúng em vẫn cố nén đau để giúp các con vượt qua. Phải dùng cử chỉ âu yếm, lời nói nhẹ nhàng mới giúp các con xả dần những áp lực bên trong và trấn tĩnh trở lại. Không được nói to hay quát mắng vì sẽ càng khiến trẻ bị kích động mạnh”, chị Trang chia sẻ.
Ở phòng khác, tôi gặp cô giáo Lò Nhật Lệ đang dạy văn hoá cho Thảo (17 tuổi) - một học sinh mắc bệnh tự kỷ thể thoái lùi ngôn ngữ. Đang học viết chữ theo hướng dẫn của cô giáo nhưng khi thấy người lạ, Thảo quay sang vùng vằng, quấy phá. Chị Lệ cho biết mỗi trẻ ở đây sẽ được cô giáo dạy văn hoá “một kèm một” trong khoảng thời gian 1 tiếng/ngày. Nhưng sự tập trung của các em rất thấp, thường không thích học, chạy nhảy lung tung, thậm chí lao vào đánh, cắn cô giáo. “Một số em ở đây còn to cao hơn cả người cô. Thế nên khi bị trẻ tấn công tôi cũng sợ lắm. Nhưng dù thế nào thì chúng tôi luôn vững tâm, cố gắng dạy dỗ các con bằng tất cả tình thương yêu, sự kiên trì”, chị Lệ giãi bày.
Yêu thương như con đẻ
Chị Nguyễn Thị Nga, quản lý Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập Ánh Dương cho biết công việc của các giáo viên tại trung tâm hằng ngày là đón, điểm danh, thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, trị liệu cho trẻ. Mục tiêu là can thiệp sớm, giúp trẻ khắc phục một phần khuyết tật, rối nhiễu tâm lý, có những tiến bộ đáng kể về nhận thức, ngôn ngữ, thể lực, khả năng giao tiếp, kỹ năng cá nhân và xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho các em có thể học hoà nhập tại các cơ sở giáo dục, học nghề... Vất vả, áp lực không thể kể hết.
Vì là những đứa trẻ đặc biệt nên chương trình chăm sóc, giáo dục cũng phải đặc biệt. Cứ 2 tháng một lần, trung tâm sẽ phối hợp với các bác sĩ ở hai Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi Hải Dương tổ chức khám sàng lọc, đánh giá tổng thể tình trạng sức khoẻ, tinh thần, thể chất, não bộ, hành vi… cho từng em để giáo viên điều chỉnh phương pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Những đứa trẻ gặp hội chứng tự kỷ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ nên ngôn ngữ rất nghèo nàn. Do đó, việc đầu tiên trong hoạt động giáo dục là tăng cường cho các em vận động, trò chuyện với giáo viên hằng ngày để mở rộng vốn từ, cách giao tiếp, thể hiện. Khi trẻ đã có thể giao tiếp, giáo viên giúp các em hình thành một loạt các kỹ năng phục vụ bản thân như vệ sinh cá nhân, làm việc nhà, biết nấu ăn…
Đặc biệt, thông qua chương trình học văn hoá, các giáo viên sẽ giúp trẻ có thể đọc thông viết thạo, biết sử dụng máy tính, máy điện thoại để cộng trừ, nhân chia. Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này thì cần một thời gian rất dài và phụ thuộc cả vào việc trẻ tiến bộ nhanh hay chậm. “Những đứa trẻ bình thường có thể học thuộc được bảng chữ cái sau vài ngày nhưng ở đây có thể phải mất tới vài năm. Ngoài việc áp dụng các phương pháp giáo dục có bằng chứng khoa học thì các giáo viên phải thực sự coi học trò như chính con đẻ của mình, có một trái tim nhân ái, tinh thần vượt khó, sự quyết tâm cao độ, kiên trì, bền bỉ, không bỏ cuộc. Có như vậy mới có thể đồng hành và giúp các con có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn”, chị Nga nhấn mạnh.
Giáo viên ở dây chẳng bao giờ được nghỉ trưa vì còn phải canh giấc cho học sinh. Chăm bẵm một đứa trẻ ở đây bằng 10 trẻ nhỏ bình thường.
Nhóm trẻ lớn tuổi hơn, có sự tiến bộ trong giao tiếp được học lớp tiền hướng nghiệp và hướng nghiệp. Đây là một chương trình đào tạo thường được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập Ánh Dương phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 8/3 phụ nữ Hải Dương tổ chức mấy năm nay. Dưới sự chỉ dẫn của các cô, những đứa trẻ chăm chú ngồi làm đồ thủ công mỹ nghệ, làm hoa... Trung tâm sẽ bán những sản phẩm do các em làm ra và trả thù lao cho học sinh.
Tới đây, trung tâm sẽ nghiên cứu mở thêm những lớp hướng nghiệp khác. Trẻ sẽ được học cách làm việc, có thể tự kiếm tiền và mở ra cơ hội cho mình trong tương lai. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là động lực để những “người mẹ thứ 2” của các em tiếp tục kiên trì với công việc giàu ý nghĩa này.
Tới thăm lớp can thiệp cho trẻ tự kỷ chậm nói, giảm chú ý, tôi thấy đôi mắt cô giáo Vi Thị Dung đỏ hoe. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má chị nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc. “Cháu Huy mới nói được câu dài 3-4 từ thể hiện nhu cầu của mình. Tôi mừng rơi nước mắt. 3 năm nay cháu vào đây nhưng chẳng tiến bộ là bao nên tôi rất lo lắng. Bây giờ con được như thế này rồi thì tới sẽ còn nhiều cơ hội để chữa lành những khiếm khuyết. Với những đứa trẻ đặc biệt, để nghe được các con nói mấy từ thì có thể phải mất cả năm trời. Thế nên xúc động lắm”, chị Dung hồ hởi.
Trời dần về chiều, một số trẻ đặc biệt đã được bố mẹ đến đón về nhà. Các em đã biết cất lời chào bố mẹ, tạm biệt cô trước khi ra về. Chị Đoàn Thị Hà, một phụ huynh có con học tại trung tâm vui mừng khi thấy con tiến bộ từng ngày. Chị xúc động chia sẻ: “Hàng chục năm qua tôi đã sống trong nỗi buồn bã, chẳng bao giờ tin con mình có thể tiến bộ và có được hy vọng như hôm nay. Tất cả nhờ các cô ở đây đã yêu thương, quan tâm chăm sóc, dạy dỗ cháu hết lòng”.
Nắng tắt hẳn phía cuối chân trời cũng là lúc những nữ giáo viên lặng lẽ ra về sau một ngày vật lộn với công việc đặc biệt. Sau xe của mình, chị Lý, chị Lộc còn chở theo mỗi người 1 học sinh. “Đó là những trẻ có hoàn cảnh rất khó khăn. Các cô đã đề nghị với gia đình và nhà trường xin cho 2 con về nhà riêng của mình để tiện chăm sóc, dạy dỗ. Họ yêu học trò như những đứa con mình dứt ruột đẻ ra”, chị Nga giải thích.
Hải Dương hiện có khoảng 10 cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ gặp hội chứng tự kỷ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ... Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập Ánh Dương là một trong những cơ sở thành lập sớm nhất. 10 năm qua, trung tâm này đã tiếp nhận, chăm sóc và giáo dục khoảng 600 trẻ đặc biệt, trong đó 70% trẻ đã hoà nhập được với cộng đồng. Một số trẻ có hoàn cảnh khó khăn được trung tâm miễn học phí.