Quốc tế

Những huấn luyện viên tiêu biểu của Asian Cup

Theo VnExpress 17/10/2023 15:48

Huấn luyện viên Philippe Troussier, với chức vô địch năm 2000 cùng tuyển Nhật Bản, được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) xếp vào nhóm nhà cầm quân tiêu biểu trong lịch sử Asian Cup.

Philippe Troussier (Nhật Bản 2000). Sau gần một thập kỷ dẫn dắt các đội bóng châu Phi, HLV Philippe Troussier được Nhật Bản bổ nhiệm vào năm 1998. Ông đưa đội bóng xứ sở Mặt trời mọc đến chức vô địch châu lục vào năm 2000 ở Lebanon.

Nhật Bản trình diễn lối chơi tấn công áp đảo lúc đó. Họ ghi 21 bàn chỉ trong sáu trận và khiến các đội mạnh như Arab Saudi, Uzbekistan hay Iraq thua đậm rồi thắng Arab Saudi một lần nữa tại chung kết. Troussier sau đó dẫn dắt Qatar ở Asian Cup 2004 nhưng không thành công khi đứng chót bảng mà không giành bất cứ chiến thắng nào.

Tại Asian Cup 2023 (diễn ra đầu năm 2024 do ảnh hưởng của Covid-19), "Phù thủy trắng" người Pháp sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Danh sách tiêu biểu này được Liên đoàn Bóng đá châu Á công bố cuối tuần trước, chủ yếu ghi nhận đóng góp của các HLV vô địch Asian Cup với thành tích hoặc lối chơi ấn tượng.

Heshmat Mohajerani (Iran 1976). Iran từng vô địch Asian Cup ba lần liên tiếp vào các năm 1968, 1972 và 1976. Trong đó, chức vô địch gần nhất cũng là lần cuối cùng quốc gia Hồi giáo này đăng quang châu lục.

Sau khi toàn thắng bốn trận vòng bảng mà không để lọt lưới, đội bóng do Heshmat Mohajerani dẫn dắt đánh bại Kuwait 1-0 ở chung kết trước sự chứng kiến của 100.000 khán giả trên sân Aryamehr tại Tehran. Đó vẫn là ký ức đáng nhớ với nhiều CĐV Iran và cho đến nay, chưa quốc gia nào tái lập thành tích ba lần đăng quang liên tiếp.

Dấu chân lịch sử của Mohajerani không chỉ gói gọn tại Asian Cup. Ông từng giúp Iran vào tứ kết Olympic 1976 và cùng họ lần đầu dự World Cup vào năm 1978. Hai năm sau, Mohajerani còn dẫn dắt UAE lần đầu tham dự Asian Cup.

Khalil Al Zayani (Arab Saudi 1984). Là HLV nội đầu tiên của đội tuyển Arab Saudi, Al Zayani đưa "Đại bàng xanh" đến chức vô địch châu lục năm 1984 tại Singapore. Họ là đội đầu tiên vô địch Asian Cup ngay ở lần tham dự đầu tiên kể từ Iran 16 năm trước.

Trải qua vòng bảng không thua, trong đó có chiến thắng 1-0 trước ĐKVĐ Kuwait, Arab Saudi duy trì phong độ ở vòng knock-out, trước khi đánh bại Trung Quốc 2-0 ở chung kết để vô địch. Al Zayani từng dẫn dắt Arab Saudi tại Olympic mùa hè 1984 và cũng gặt hái thành công ở cấp CLB, đặc biệt với Al Ettifaq.

Carlos Alberto Parreira (Kuwait 1980 và Arab Saudi 1988). Là một trong những HLV tiêu biểu lịch sử bóng đá thế giới, Carlos Alberto Parreira là người duy nhất từng dẫn dắt hai đội tuyển khác nhau vô địch Asian Cup. Ông đưa Kuwait đến lên ngôi năm 1980 và tái lập thành công với Arab Saudi tám năm sau đó.

Kuwait của Alberto Parreira chính là đội đã chặn đứng thế hệ vàng bóng đá Iran với chiến thắng 2-1 ở bán kết Asian Cup 1980 trước khi đè bẹp Hàn Quốc 3-0 tại chung kết trên sân nhà. Ở chung kết năm 1988, ông một lần nữa khiến Hàn Quốc ôm hận ở chung kết khi giúp Arab Saudi giành chiến thắng trong loạt luân lưu.

Zico (Nhật Bản 2004). Một thập kỷ sau khi kết thúc sự nghiệp quần đùi áo số, huyền thoại bóng đá Brazil Zico dẫn dắt Nhật Bản dự Asian Cup 2004 và giúp quốc gia này giành chức vô địch lần thứ ba sau khi đánh bại Trung Quốc 3-1 ở chung kết.

Cho đến nay, đây vẫn là thành công lớn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của cựu tuyển thủ Brazil. Sau này, ông từng dẫn dắt Iraq trong giai đoạn 2011-2012 nhưng không thành công. Hiện, Zico đang làm tư vấn chuyên môn cho CLB Nhật Bản Kashima Antlers.

Jorvan Vieira (Iraq 2007). Hành trình vô địch Asian Cup 2007 của Iraq vào năm 2007 được ví như một câu chuyện cổ tích và Vieira là kiến trúc sư cho chiến dịch đó. Chức vô địch châu lục đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của quốc gia này đến ở thời điểm Iraq bị tàn phá bởi chiến tranh.

Trước đó, Vieira đã là một chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm nhờ thời gian làm việc tại châu Á và Bắc Phi. Ông giúp Iraq đánh bại các đối thủ sừng sỏ như Australia hay Hàn Quốc trước khi bàn duy nhất của Younis Mahmoud giúp họ đánh bại Arab Saudi 1-0 ở chung kết tại Jakarta. Đặc biệt, Vieira giúp Iraq vô địch chỉ hai tháng sau khi được bổ nhiệm.

Alberto Zaccheroni (Nhật Bản 2011). Từng vô địch Serie A cùng AC Milan vào năm 1999, Zaccheroni đến châu Á để chinh phục thử thách mới. Năm 2011, ông trở thành HLV Italy đầu tiên vô địch Asian Cup khi giúp Nhật Bản lập kỷ lục đăng quang lần thứ tư đấu trường này.

Đội bóng Đông Á đánh bại Australia 1-0 ở hiệp phụ trận chung kết tại Doha. Tiền đạo gốc Hàn Quốc Tadanari Lee ghi bàn duy nhất phút 109. Zaccheroni bỏ lỡ trận chung kết Asian Cup thứ hai trong sự nghiệp năm 2019 khi đưa UAE lọt vào bán kết.

Ange Postecoglou (Australia 2015). Chỉ giúp Australia thắng một trong 11 trận vào năm 2014, Ange Postecoglou cùng đội bóng xứ Chuột túi tham dự Asian Cup 2015 trên sân nhà với nhiều hoài nghi. Nhưng cuối cùng, ông giúp Australia giành chiến tích lớn nhất trong lịch sử.

Với kinh nghiệm dồi dào từ khoảng thời gian dẫn dắt các CLB Australia, Postecoglou tận dụng tốt nhân sự ông có trong tay. Australia vô địch với 10 cầu thủ khác nhau ghi bàn. Họ đánh bại Hàn Quốc 2-1 sau hiệp phụ trận chung kết.

Felix Sanchez (Qatar 2019). Sanchez được Liên đoàn bóng đá Qatar giao trọng trách chuẩn bị lực lượng cho đội tuyển nước này dự World Cup 2022. Asian Cup 2019 trên sân nhà là màn thử lửa đầu tiên cho lứa cầu thủ trẻ được HLV Tây Ban Nha dìu dắt. Tuy vậy, ít người tin Qatar có thể vượt qua các thế lực trong châu lục để vô địch.

Lần đầu tiên giải đấu tăng số đội tham dự lên 24, Qatar thể hiện phong độ không thể ngăn cản với bảy trận toàn thắng trước khi đoạt Cup. Họ ghi 19 bàn và chỉ một lần thủng lưới. Hai trụ cột của Qatar Almoez Ali và Akram Afif làm nức lòng người hâm mộ với màn trình diễn trên sân nhà.

Tuy nhiên, Qatar không thể hiện được nhiều tại World Cup 2022. Thậm chí, họ trở thành đội chủ nhà đầu tiên thua trận mở màn và bị loại sau vòng bảng. Cuối năm ngoái, Sanchez hết hạn hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Qatar và không được gia hạn. Ông sau đó chuyển sang dẫn dắt đội tuyển Ecuador.

Theo VnExpress