Cẩm Giàng hiện thực hóa quy hoạch vùng huyện
Thời gian qua, huyện Cẩm Giàng tăng cường quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và khu vực.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng khu công nghiệp Lương Điền-Ngọc Liên, với tổng diện tích gần 150 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.765 tỷ đồng. Trong tháng 10 này, chủ đầu tư là Công ty CP Khu công nghiệp Lương Điền - Ngọc Liên đang cùng với chính quyền các xã liên quan và huyện Cẩm Giàng xác định vị trí dự án trên thực địa để sẵn sàng cho việc giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt, Lương Điền sẽ thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, tương lai sẽ thành đô thị loại V. Trên địa bàn xã, cụm công nghiệp Lương Điền I rộng 32 ha đã được lấp đầy; cụm công nghiệp-dịch vụ-thương mại Lương Điền đã giải phóng mặt bằng được hơn 30/43 ha; quy hoạch 2 cụm công nghiệp Lương Điền II và III đã được xác định.
Làng nghề mộc truyền thống đã phát triển mở rộng ở cả 2 thôn Đông Giao và Bến Đông Giao. Với sự phát triển mạnh của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Lương Điền hiện còn khoảng 400 ha, đến năm 2025 sẽ giảm ½ diện tích. “Để bảo đảm phát huy tối đa quy hoạch mới, xã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông nội bộ hiện còn rất nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, môi trường ô nhiễm. Đất nông nghiệp giảm mạnh nên địa phương sẽ chuyển hướng sản xuất chủ yếu sang các cây rau màu. Vùng Lương Xá-Bối Tượng rộng 120 ha sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sạch”, ông Nguyễn Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã Lương Điền cho biết.
Cách Lương Điền bởi sông Tràng Kỹ, xã Tân Trường cũng đang tập trung lực lượng để hoàn thành giải phóng mặt bằng 112 ha cho khu công nghiệp Tân Trường mở rộng-khu công nghiệp thứ 2 trên địa bàn. Xã cũng đang dồn lực để hoàn thành nốt 2 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong tháng 10/2023… “Hạ tầng kỹ thuật của nông thôn mới sẽ là cơ sở để xã nâng cấp thành đô thị loại V trong năm 2025 và phát triển dịch vụ thiết yếu đáp ứng cho việc dân số tăng đột biến bởi hàng vạn người lao động xa đến làm công nhân trong các khu công nghiệp”, ông Vũ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Trường chia sẻ.
Cập nhật theo định hướng mới
Ngày 25/1/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 315/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Giàng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó bổ sung thêm vùng du lịch - văn hóa - tâm linh kết hợp với làng nghề truyền thống. Phấn đấu xây dựng huyện Cẩm Giàng đạt các tiêu chí đô thị loại IV sau năm 2030 theo hướng đô thị xanh - thông minh - hiện đại.
Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Giàng, về định hướng tổ chức không gian, huyện Cẩm Giàng sẽ phát triển với 4 vùng chính: trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại, hệ thống công trình công cộng; phát triển đô thị dịch vụ; phát triển công nghiệp và vùng phát triển nông nghiệp tập trung, nông nghiệp chất lượng cao. Huyện tập trung xây dựng, phát triển công nghiệp đa ngành, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch; kết hợp với các huyện Bình Giang và Thanh Miện tạo thành vùng công nghiệp động lực phía tây của tỉnh Hải Dương.
Theo quy hoạch này, đến năm 2030, dự báo diện tích đất nông nghiệp của Cẩm Giàng còn trên 4.562 ha, giảm hơn 1.712 ha so với hiện nay; đến năm 2050 giảm thêm 1.133 ha, còn khoảng 3.429 ha.
Tuy nhiên, theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND cấp huyện, từ nay đến năm 2025, xã Thạch Lỗi sẽ sáp nhập với thị trấn Cẩm Giang, Cẩm Điền sáp nhập với Cẩm Phúc. Giai đoạn 2026-2030, các xã Cao An, Cẩm Đoài sáp nhập với thị trấn Lai Cách; Cẩm Văn sáp nhập với Cẩm Vũ và Cẩm Hưng sáp nhập với Ngọc Liên. Do đó các quy hoạch phát triển đô thị Lai Cách, Cẩm Giang đều cần điều chỉnh theo quy mô lớn hơn. Dù các phần diện tích của các xã Tân Trường, Định Sơn, Cẩm Đông không cắt về thị trấn Lai Cách như quy hoạch cũ nhưng đô thị Lai Cách tương lai vẫn có diện tích trên 1.770 ha với dân số khoảng 25.000 người. Thị trấn Cẩm Giang tương lai sẽ có diện tích 1.054 ha, với dân số khoảng 12.500 người. Định hướng xây dựng phát triển theo mô hình đô thị trung tâm với 2 thị trấn Lai Cách và Cẩm Giang làm hạt nhân phát triển không gian, lan tỏa theo các trục giao thông chính về các phía nam, đông bắc và tây bắc để hình thành hệ thống đô thị. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá của Cẩm Giàng khoảng 65%; đến năm 2050 khoảng 74,8%...
Định hướng giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Giàng cũng được điều chỉnh để phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể là: Nâng cấp mở rộng đường huyện 194B thành đường cấp II, qua cầu vượt sông Thái Bình sang Nam Sách; đường huyện 19, đường ven đê sông Thái Bình thành đường cấp III. Quy hoạch mới cũng bổ sung một số tuyến đường tránh các phía tây nam, bắc và đông quốc lộ 38; đường kết nối với đường huyện 06, đường tỉnh 285 (Bắc Ninh); đường nối cầu Cậy 3 đi qua khu công nghiệp Đại An mở rộng kết nối đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương)...
“Quy hoạch vùng huyện là cơ sở để có đề xuất xác đáng về định hướng phát triển của các địa phương. Quá trình thực hiện, huyện luôn lưu ý lộ trình triển khai, xác định lĩnh vực tập trung phát triển dựa trên tiềm năng sẵn có…”, ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng khẳng định.