Thẩm tra thực chất
Việc một số dự án, công trình đề nghị thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất bị "gạt lại" cho thấy công tác thẩm tra ngày càng chặt chẽ, không mang tính hình thức, “xuôi chiều”.
Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII được tổ chức chiều 29/9, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh thông qua và ban hành nghị quyết về việc chấp thuận thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình phát sinh trong năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị chấp thuận thu hồi gần 72 ha đất để thực hiện 59 dự án, công trình và đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 56 ha đất trồng lúa để thực hiện 35 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh trước, các tờ trình của UBND tỉnh gần như đều được thông qua, cụ thể hóa bằng các nghị quyết của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương chỉ đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi hơn 63 ha đất để thực hiện 38 dự án, công trình và đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 34 ha đất trồng lúa để thực hiện 25 dự án, công trình. Đồng thời, đề nghị đưa ra ngoài danh mục chuyển mục đích sử dụng hơn 17,5 ha đất trồng lúa để thực hiện dự án xây dựng đường trục Đông - Tây trên địa bàn huyện Kim Thành do không thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Việc “gạt lại” một số dự án, công trình đề nghị thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất rất ít khi xảy ra. Đề xuất này đã được HĐND tỉnh chấp thuận khi chỉ thông qua Nghị quyết như nội dung đề nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách.
Qua nghiên cứu danh sách các dự án, công trình đề nghị chưa chấp thuận thu hồi đất và chưa chuyển mục đích sử dụng đất cho thấy các dự án này tuy đã có trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 nhưng lại chưa có trong quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các dự án, công trình này cần thiết phải sớm triển khai thực hiện vì đều là các dự án, công trình công cộng (công trình giao thông, mở rộng trụ sở UBND xã để xây dựng trụ sở công an), các điểm xử lý nhà đất quy hoạch đất ở để đưa vào tổ chức đấu giá…
Điều này cho thấy công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện các dự án, công trình cần thiết tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng.
Thực tế trong năm 2022, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của Hải Dương chỉ đạt 31% số công trình dự án và hơn 25% diện tích theo kế hoạch được duyệt. Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất đạt thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ công tác lập kế hoạch sử dụng đất. Các địa phương khi đề xuất các dự án, công trình chưa thực sự quan tâm đánh giá, thẩm định nhu cầu, khả năng thực hiện để xác định tính khả thi của từng công trình, dự án. Việc đề xuất nhu cầu sử dụng đất còn có tâm lý thừa hơn thiếu dẫn đến số lượng công trình, dự án đăng ký nhiều nhưng không phải dự án nào cũng có tính khả thi. Vì vậy, có những địa phương đến cuối năm sau khi rà soát lại đã phải đề nghị hủy bỏ hàng chục công trình, dự án đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng chưa thực hiện được.
Hoạt động thẩm tra là một trong các hình thức giám sát quan trọng, thường xuyên của các ban HĐND tỉnh nhằm xem xét tính hợp pháp, khả thi của vấn đề được đề cập trong báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết của UBND trình kỳ họp HĐND. Và lần này, việc thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách đã cho thấy sự chặt chẽ hơn, không hình thức, xuôi chiều.