Manh động chống người thi hành công vụ
Thời gian gần đây, những vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận.
Người thi hành công vụ là ai? Đó là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang… được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Thời gian qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt hiểm nguy, nhiều đồng chí đã quả cảm hy sinh trong chống lũ bão, chữa cháy, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự… để lại vợ trẻ, con thơ bơ vơ, rất đau xót thương tâm.
Thế nhưng, tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm, trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu tại khu vực biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm...
Tại TP Hải Dương, vào tối 7/10, trên đường Trường Chinh, đối tượng Nguyễn Đức Hiếu (sinh năm 2005, ở khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng) đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đã uống rượu bia, cố tình lạng lách bỏ chạy khi bị tổ công tác của Công an TP Hải Dương dừng xe kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong hơi men, Hiếu đã lao xe vào Trung tá Đặng Xuân Hoàn, Đội trưởng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hải Dương) đang chỉ huy tại đây làm đồng chí Hoàn bị trọng thương, phải đi cấp cứu. Ngày 10/10, Hiếu đã bị khởi tố để điều tra về tội chống người thi hành công vụ.
Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 28/4, tại TP Chí Linh, Vũ Quốc Việt (sinh năm 1988) mang theo 2 con dao đến nhà chị Kh.T.Q. (sinh năm 1988, cùng trú tại phường Phả Lại) chửi bới, xúc phạm, dọa chém chồng chị Q. Khi tổ công tác của Công an phường vào nhà chị Q. yêu cầu Việt về trụ sở Công an phường làm việc, Việt liên tục chửi bới, nhổ nước bọt, đấm vào 2 đồng chí công an. Đầu tháng 8, Việt bị phạt 11 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.
Ngoài những vụ việc chống người thi hành công vụ đã bị khởi tố, xét xử, một số vụ việc khác cũng rất manh động, thách thức lực lượng chức năng.
Những hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không chấp hành hiệu lệnh hoặc cản trở người thi hành công vụ; rồi thách thức cơ quan chức năng như trên gây ảnh hưởng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người thi hành công vụ và lợi ích của người dân.
Hành vi chống người thi hành công vụ thể hiện thái độ coi thường pháp luật, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động đúng đắn của cơ quan chức năng. Tội chống người thi hành công vụ đã được quy định rõ tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Nguyên nhân chính dẫn đến hành vi này do thiếu hiểu biết, không tự chủ được bản thân do sử dụng chất kích thích, do coi thường pháp luật… Có trường hợp cố tình cản trở hoặc chống người thi hành công vụ để tránh bị xử phạt. Bên cạnh đó, có lúc, có nơi cán bộ thực thi công vụ ý thức trách nhiệm, phong cách làm việc còn hạn chế, thậm chí phân tích, giải quyết vi phạm chưa thấu đáo, khoa học có thể gây bức xúc hoặc dẫn đến “nhờn luật”…
Để ngăn chặn các vụ việc chống người thi hành công vụ, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân. Xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm khắc, đủ sức răn đe. Chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trên các lĩnh vực…
Hải Dương đang nỗ lực thực hiện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Mỗi công dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không để bị xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động chống người thi hành công vụ, nhất là trong giải quyết vi phạm, cưỡng chế đất đai, giải phóng mặt bằng để đầu tư phát triển.