Công chiếu "Hồng Hà nữ sĩ", phim về nhà thơ tài hoa Đoàn Thị Điểm
Bộ phim chân dung lịch sử kể chuyện về con người tài hoa, giỏi giang nhưng gian truân và vất vả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - tác giả bản dịch chữ Nôm cho bài thơ "Chinh phụ ngâm" nổi tiếng.
Bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” về cuộc đời của nhà thơ nữ tài hoa, hiếm có trên văn đàn Việt - Đoàn Thị Điểm - dự kiến sẽ ra rạp cuối năm nay, sau khi tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23.
Sự kiện diễn ra trong tháng 11 tại thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa.
Phim dài hơn 100 phút, là phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Ekip gồm đạo diễn Nguyễn Đức Việt (đạo diễn “Vũ điệu đam mê,”“Vua bãi rác”), giám đốc sản xuất kiêm biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (sản xuất các phim “Đừng đốt,”“Đời cát”; biên kịch của “Hà Nội 12 ngày đêm,”“Ký ức Điện Biên”...) và các thành viên từ Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê).
“Hồng Hà nữ sĩ” kể lại hầu hết cuộc đời nhà thơ lừng danh Đoàn Thị Điểm, từ thuở niên thiếu, đôi mươi đến lúc từ trần. Nữ sỹ sống ở thế kỷ 18 cuối thời Lê Trung Hưng, là người gốc Văn Giang (nay thuộc Hưng Yên). Bà được hậu thế biết đến nhiều nhất qua bản dịch từ chữ Hán ra chữ Nôm của bài thơ “Chinh phụ ngâm” (tác giả Đặng Trần Côn).
Đoàn Thị Điểm (1705-1749) lúc sinh thời được mô tả là một phụ nữ xinh đẹp. Cha bà đỗ đạt cao và từng phục vụ trong triều nhưng từ chức, chọn về quê bốc thuốc và dạy học. Nhờ vậy mà Đoàn Thị Điểm có tài văn, thông minh và cương trực, được quan Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận nuôi và cho sống ở Thăng Long. Bà giỏi đối đáp, đẹp người đẹp nết, rất quan tâm việc thế sự, có tầm nhìn lớn, thương dân, từng dâng vua những trăn trở như để nhắc về việc trị nước.
Tài hoa là thế, không may, cuộc đời bà có nhiều gian truân, vất vả. Không lâu sau khi cha mất, anh trai của bà cũng qua đời, để lại vợ và đàn con nhỏ. Đoàn Thị Điểm hy sinh bản thân, gác việc học tập ở Kinh thành và ở lại quê để chăm mẹ, giúp chị dâu lo cho các cháu.
Dẫu có nhiều người đến hỏi cưới nhưng bà đều từ chối. Nữ sỹ có gặp gỡ với nhà thơ Đặng Trần Côn, hai người đồng điệu về thơ văn và tâm hồn nhưng không đến với nhau. Bà lấy chồng muộn khi đã 37 tuổi, nên duyên với một vị quan đã góa vợ và không có thêm con chung. Năm 1749 khi trên đường theo chồng vào xứ Nghệ nhậm chức, bà bị cảm nặng rồi qua đời, khi đó mới 44 tuổi.
Bên cạnh “Chinh phụ ngâm” bằng chữ Nôm, nữ sỹ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm cũng để lại cho hậu thế những tác phẩm văn-thơ như “Truyền kỳ tân phả,”“Nữ trung tùng phận”... trở thành di sản quý trên văn đàn. Bà được xem như một danh nhân văn hóa của đất nước nói chung và vùng Phố Hiến Hưng Yên nói riêng.
Thủ vai chính là nữ diễn viên Anh Đào của “Lối về miền hoa” và “Đấu trí” (VTV). Các gương mặt quen thuộc khác của phía Bắc như Nghệ sỹ Nhân dân Trung Anh, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh trong vai cha mẹ nuôi của Đoàn Thị Điểm, Vĩnh Xương trong vai chồng - Tiến sỹ Nguyễn Kiều…
Xuất thân từ kịch nói rồi đi đóng phim truyền hình, Anh Đào có lần đầu thử sức điện ảnh qua “Hồng Hà nữ sĩ”. Cô học cách viết chữ tượng hình, cung cách cư xử, đi lại nhẹ nhàng và phải tìm hiểu rất kỹ nhân vật. “Nếu chỉ đọc qua thơ của bà sẽ thấy khó hiểu. Vì vậy chúng tôi phải học phân tích kịch bản với đạo diễn, tìm hiểu ý nghĩa từng lớp nghĩa sâu sắc đằng sau câu chữ của Đoàn Thị Điểm, để hiểu viết cho ai, có ý gì… Khi đã xác định được đối tượng, cảm xúc thì tôi cảm thấy mọi thứ rất nhẹ nhàng,” Anh Đào cho biết.
"Tôi rất yêu mến, kính trọng nữ sỹ. Nhiều học sinh qua chương trình học đã biết đến những vần thơ của bà rồi, nhưng thân thế sự nghiệp, cuộc đời lên trầm xuống bổng, mối quan tâm của nữ sỹ với thế sự… thì phải đọc rất nhiều mới hiểu được," bà Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.
Ở vị trí biên kịch đồng thời là giám đốc sản xuất phim, bà Hồng Ngát cho biết phim cổ trang có nhiều đòi hỏi, nhưng kinh phí có hạn nên còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên ê-kíp đã làm hết sức trong khả năng để mang đến những hình ảnh đẹp về nhân vật lịch sử đáng kính, đáng mến này đồng thời có nhiều cơ duyên với cá nhân bà khi cũng là một người con của Hưng Yên.