Tác hại than nghèo kể khổ với con
Một đứa trẻ có quan niệm sai lầm về tiền bạc khi lớn lên dễ gặp rắc rối với những việc liên quan tới kinh tế.
Một người mẹ ở Thượng Hải, Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện của mình trên một diễn đàn làm cha mẹ. Chị đưa con đến công viên chơi, cậu bé rất thích một con ngựa trong gian hàng đồ chơi. Người mẹ hỏi giá bán và lắc đầu ngay khi có câu trả lời.
"Mẹ ơi, cái này đắt không ạ?", cậu bé hỏi và giục liên hồi, "Mẹ ơi, cái này rẻ, mẹ mua đi". Người mẹ bất ngờ vì con lại quan tâm đến giá cả như vậy. Rồi chị nhớ ra, mỗi lần đi mua sắm, thứ gì con trai thích mà cô thấy không hợp lý đều giải thích "Đắt quá, mẹ không đủ tiền". Vì thường xuyên phải nghe câu trả lời này, con trai cô như học được bài học "Chỉ có đồ rẻ mới mua được, đồ đắt tiền không nên đòi hỏi".
Kết thúc câu chuyện của mình, người mẹ đặt câu hỏi, cách dạy con về tiền bạc của cô hợp lý không?
Sau bài viết của người phụ nữ, nhiều phụ huynh khác cùng chia sẻ câu chuyện tương tự. Có người khi con đòi mua thứ gì đó, đều nói "Gia đình chúng ta nghèo, không có tiền mua", dù thực tế không phải như vậy. Thậm chí người này còn nghĩ ra cách giả vờ vay tiền để đứa con cảm thấy bố mẹ thực sự nghèo khó. Cứ như vậy về sau đứa trẻ trở nên rụt rè, tự ti và không dám đưa ra yêu cầu khi muốn mua thứ mà chúng muốn.
Cũng có phụ huynh khi mua quần áo mới cho con, không quên nhắc nhở quần áo của bố mẹ mặc từ mấy năm trước, đều là đồ rẻ tiền. Đứa trẻ vốn dĩ đang rất vui vẻ, nhưng nghe được lời này chúng áy náy, cảm thấy mình đang giẫm đạp lên cha mẹ để hưởng thụ.
"Dù ý định của cha mẹ là dạy con bài học về việc kiếm tiền không dễ, cần trân trọng và không chi tiêu bừa bãi, nhưng nếu lạm dụng sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức của trẻ", Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc chia sẻ.
Theo ông Chu, khi quá khó để đạt được một thứ gì đó, trẻ sẽ quên đi ý nghĩa chính của nó. Ví dụ khi trẻ muốn mua đồ chơi với mong muốn vui vẻ, nhưng cố gắng thế nào cũng không có món đồ chơi đó. Trẻ sau này sẽ chỉ tập trung vào món đồ mà quên mất ý nghĩa ban đầu là tạo niềm vui.
Đối với tiền cũng vậy. Việc trẻ rất khó để được đáp ứng nhu cầu vật chất sẽ xuất hiện tâm lý bất an, chỉ muốn có nhiều tiền nhưng lại ngại chi tiêu, đối xử không tốt với bản thân. Hơn nữa trong mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp sau này, chúng sẽ luôn tỏ ra keo kiệt và không được mọi người nể trọng vì quá quan tâm tới tiền bạc.
"Những đứa trẻ như vậy lớn lên, rất có thể sẽ trở thành những người ham muốn tiền bạc quá mức. Thậm chí sẽ xuất hiện cảm giác thiếu thốn tự ti và sợ tiền", Chu Zhaohui nói.
Chúng sẽ cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền và có xu hướng tích trữ tiền bằng mọi giá để có cảm giác an toàn. Có trường hợp, những đứa trẻ này lớn lên thành người chăm chỉ làm việc kiếm tiền, thậm chí hy sinh thời gian cho gia đình, chìm đắm trong ham muốn tiền bạc nhưng họ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.
Peng Kaiping, giáo sư Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cũng từng nói "Nói với con cái gia đình mình nghèo, đồng nghĩa với việc đang gieo rắc cảm giác thiếu thốn". Cảm giác này khó có thể được loại bỏ chỉ bằng sự sung túc về vật chất.
Nghèo đói không phải là thứ gây hại lớn nhất cho trẻ em. Nhưng cảm xúc tự trách, tội lỗi bắt nguồn từ cách thể hiện sai lầm của cha mẹ có thể hủy hoại tâm hồn trẻ thơ.
Bởi vậy, việc cha mẹ thường xuyên "than nghèo kể khổ" sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái, không chỉ mối quan hệ của chúng với tiền bạc mà còn cả mối quan hệ với thế giới sau này.
Vậy nên giáo dục con cái như thế nào để chúng sớm hiểu biết về cách chi tiêu tiền bạc?
Dạy trẻ tin rằng chúng xứng đáng
Nếu cha mẹ có khả năng kinh tế và sẵn sàng với những yêu cầu của trẻ, nên vui vẻ làm hài lòng trẻ thay vì nói câu "Cái này đắt quá, chúng ta không đủ tiền mua" hay "Gia đình chúng ta rất nghèo".
Nếu không có khả năng, hãy nói thật với trẻ rằng không phải bố mẹ không muốn mua mà tạm thời chưa đủ khả năng. Nên cho trẻ hiểu, dù nhu cầu của chúng chưa được đáp ứng, đó không phải lỗi của trẻ và con vẫn có thể có bằng sự nỗ lực trong tương lai.
Dạy chi tiêu cũng là dạy về cách sống
Trong cuốn sách "Kỷ luật tích cực" đề cập đến việc khi trẻ 6 tuổi, cha mẹ phải có ý thức để con tự quản lý tiền bạc của mình. Ví dụ, mỗi tuần cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt để con mua văn phòng phẩm, đồ ăn nhẹ, đồ chơi. Nếu trẻ không dùng hết số tiền này, có thể bỏ vào lợn đất tiết kiệm. Còn nếu như tiêu hết sớm, phải biết cách chờ đợi cho những đợt sau. Phải cho trẻ thấy không phải mọi thứ chúng muốn đều đạt được ngay lập tức.
Nếu có kinh nghiệm kiểm soát tiền bạc từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ học được thứ nào nên mua, thứ nào không nên bởi lãng phí tiền bạc hoặc khi nào nên thỏa mãn bản thân và khi nào cần học cách kiên nhẫn.
"Giáo dục về cách sống, cách tiêu tiền hợp lý hiệu quả hơn nhiều so với việc than khóc về nghèo đói và suốt ngày phàn nàn", Chu Zhaohui nói.
Trau dồi kiến thức tài chính ngay từ khi còn nhỏ
Tác giả Godfrey đã viết trong cuốn sách "Tiền không mọc trên cây" rằng, trẻ nên nắm vững kiến thức về tiền bạc trước 12 tuổi.
Theo đó, lúc 8 tuổi, trẻ hiểu được lao động có thể kiếm tiền và có ý thức tiết kiệm tiền; 9 tuổi có khả năng lập kế hoạch mua sắm, biết so sánh giá cả khi mua đồ và đưa ra lựa chọn hợp lý; 10 tuổi có khả năng tiết kiệm tiền để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp trong tương lai hoặc để thực hiện mong muốn; 11 tuổi có thể nhận ra sự thật từ các quảng cáo mua sắm thay vì không bị thôi thúc mua sắm một cách bốc đồng; 12 tuổi có thể lập kế hoạch chi tiêu dài hạn và kiểm soát thu chi hợp lý.
Nếu một đứa trẻ có thể hình thành quan niệm đúng đắn về tiền bạc, trẻ sẽ giàu có về mặt tinh thần và độc lập, không bị tiền bạc dẫn dắt và dễ rơi vào khủng hoảng trong tương lai.