Hội Nông dân tỉnh Hải Dương - Dấu ấn một nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hội Nông dân tỉnh Hải Dương luôn nỗ lực không ngừng trong các hoạt động.
Kết quả hoạt động Hội Nông dân đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nông dân, khẳng định vai trò của tổ chức hội.
Vượt nhiều chỉ tiêu
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã triển khai kịp thời, sâu rộng công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng Bản tin Hội Nông dân tỉnh, tuyên truyền thông qua các ứng dụng mạng xã hội, qua các Hội thi “Nhà nông đua tài”, “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường”, Giải bóng chuyền “Bông lúa vàng”. Việc quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các Nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam (khoá VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh được các cấp hội xác định là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của hội và phong trào nông dân.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào lớn, trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh và trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Trung bình mỗi năm có 190.794 hội viên đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét có 130.651 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 36,6% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX.
Hội Nông dân các cấp đã tích cực khai thác nguồn vốn cho hội viên vay. Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đến ngày 30/6 đạt 78,8 tỷ đồng, tăng 26,84 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Các cấp hội còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác hàng nghìn tỷ đồng cho hàng nghìn lượt nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức thăm hỏi, tặng 20.177 suất quà cho các hộ nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn trị giá 4,67 tỷ đồng; hỗ trợ xây 38 nhà “mái ấm nông dân” và sửa chữa 2 nhà với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng...
Công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số cho nông dân được đổi mới về nội dung, phương pháp và đa dạng lĩnh vực. Các cấp hội đã trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức 310 lớp dạy nghề cho 10.933 lao động nông thôn. Tổ chức 8.346 buổi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ cho 579.150 lượt người; xây dựng 172 mô hình trình diễn về giống, tiến bộ kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn GAP. Phối hợp xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể cho 25 sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, trong đó hội trực tiếp xây dựng và quản lý 18 nhãn hiệu tập thể; phối hợp gắn 170.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 41.700 tấn nông sản cho nông dân. Xây dựng 536 mô hình bảo vệ môi trường với nhiều cách làm hay, đa dạng như mô hình: nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình; cánh đồng, khu vườn không rác thải; tuyến đường nông dân tự quản; hàng cây nông dân, đường hoa nông dân...
Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp đã kết nạp 48.321 hội viên, vượt 222% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX, nâng số hội viên toàn tỉnh lên 388.437 người. Công tác quản lý hội viên được thực hiện chặt chẽ, khoa học; chất lượng hội viên ngày càng được nâng lên.
Công tác quản lý, xây dựng quỹ hội được thực hiện nghiêm túc, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Tổng số quỹ đạt 66,6 tỷ đồng, tăng 28,7 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, đạt bình quân gần 172.000 đồng/hội viên. Các cơ sở hội duy trì nền nếp thu, nộp hội phí theo quy định.
Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.
Sát cơ sở
Trong quá trình hoạt động, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương có nhiều đổi mới, sáng tạo, hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở. Các cấp hội đã chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội. Tổ chức bộ máy, cán bộ hội được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đội ngũ cán bộ hội được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt.
Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức, triển khai hiệu quả, hình thức tổ chức thiết thực, giữ vai trò nòng cốt ở nông thôn. Công tác vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được tăng cường với những việc làm cho hiệu quả rõ nét hơn; các hoạt động cung ứng dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh đã từng bước đáp ứng nhu cầu của nông dân. Từ đó đã thu hút, kết nạp thêm nhiều hội viên gắn bó với phong trào do hội phát động.
Công tác thi đua, khen thưởng là động lực để các cơ sở hội, hội viên thực hiện tốt các phong trào. Đối với mỗi phong trào thi đua, các tổ chức hội đều định kỳ bình xét và đánh giá kết quả thi đua; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật để từ đó khuyến khích, thúc đẩy các phong trào.
Với những kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua, Trung ương Hội và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen; 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 5 cá nhân được tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”; 1 cá nhân đạt giải khuyến khích Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, 88 cá nhân được công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017-2022...
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội Nông dân Hải Dương sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của hội, xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội cấp cơ sở. Củng cố hoạt động của các chi hội, tổ hội kết hợp với đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Thực hiện tốt vai trò hội nông dân là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước trong thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Quan tâm các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, giúp nông dân nâng cao năng lực quản trị, liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác hội, phong trào nông dân và trong sản xuất nông nghiệp. Phát huy quyền làm chủ của hội viên nông dân, tạo điều kiện để hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; định hình mới về vai trò, vị thế, năng lực của người nông dân trong thời kỳ mới.
Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, sản phẩm OCOP
Những năm qua, nông nghiệp ở TP Chí Linh phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, TP Chí Linh có 31 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và nhiều nhãn hiệu tập thể... Tuy nhiên, một số sản phẩm chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập thể, đề nghị Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông dân: cung ứng vật tư nông nghiệp có chất lượng tốt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm. Phối hợp xây dựng mô hình điểm về sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn nông dân sản xuất, đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Xây dựng mạng lưới thông tin nông sản, thị trường nông sản từ cấp cơ sở một cách chặt chẽ, tạo điều kiện cho nông dân dễ dàng kết nối, tham gia; phát huy vai trò là một trong các đầu mối của chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Tư vấn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và hỗ trợ thiết lập bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn thương hiệu... khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình OCOP; tạo điều kiện cho nông dân được trực tiếp tham gia các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Tăng cường tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng để hội viên nông dân cũng như nhân dân biết đến chất lượng của các sản phẩm OCOP để ưu tiên sử dụng các sản phẩm này. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp để nâng “sao” cho những sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, góp phần khẳng định chất lượng trên thị trường.
Nguyễn Như Nguyện
Chủ tịch Hội Nông dân Chí Linh
Sản xuất hữu cơ gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2023-2028 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của các cấp hội và hội viên nông dân chúng tôi nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tôi mong rằng nhiệm kỳ tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh sẽ tham mưu, hiến kế nhiều giải pháp để mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch ngày càng phát triển.
Đề nghị các cơ quan liên quan tạo điều kiện hơn nữa trong hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, có các cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông sản hữu cơ, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kiểm soát chặt chẽ các nhà máy không để xả nước thải, rác thải bừa bãi ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường sống. Hội Nông dân tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo, đài, các trang mạng xã hội... để nhân dân hiểu hơn nữa về các sản phẩm hữu cơ cũng như hiệu quả mô hình hợp tác xã hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm. Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản hữu cơ. Các hộ nông dân cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết vùng sản xuất nông sản hữu cơ, sản xuất các sản phẩm an toàn, sạch; tích cực bảo vệ môi trường, giữ vững uy tín sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế, hướng tới phát triển bền vững.
Nguyễn Văn Khoa
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thanh (Tứ Kỳ)
Tiên phong góp sức xây dựng nông thôn mới
Để phát huy vai trò của nông dân-những hạt nhân trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục lan tỏa rộng rãi phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới bằng nhiều nội dung phong phú, thiết thực hơn. Cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu, vận động gia đình, hội viên nông dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia hiệu quả các phong trào của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã. Áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nông sản an toàn, chất lượng cao, không vì chạy theo lợi nhuận mà để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Tăng cường giải pháp xây dựng chuỗi nông sản an toàn, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp cho người tiêu dùng những loại nông sản tốt nhất. Các cấp hội cần đề xuất với cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ, bảo đảm đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất cũng như phục vụ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.
Nguyễn Văn Chăm
Tổ trưởng Hợp tác xã Nấm Sao Mai, Hội Nông dân xã Nam Tân (Nam Sách)