Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông đường bộ
Chiều 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về hồ sơ, dự thảo Nghị quyết để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp.
Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian gần đây, một số địa phương đề xuất được làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải; một số dự án PPP đang nghiên cứu đề xuất phần tham gia của nhà nước cao hơn 50% tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, việc cung cấp vật liệu từ các mỏ khoáng sản chưa đáp ứng nhu cầu do nhiều dự án được triển khai cùng một thời điểm, hồ sơ cấp phép mỏ khoáng sản bị chậm chễ. Do đó cần rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục để sớm bổ sung thêm các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ nghiên cứu dự án.
Thẩm tra sơ bộ về nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất này, đồng thời đề nghị đánh giá đầy đủ hơn về tác động của các chính sách, đặc biệt liên quan đến công tác thu, chi ngân sách nhà nước, tránh gây thất thoát, lãng phí.
Tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thí điểm phải có địa chỉ, phạm vi thời gian, không gian, trình tự, thủ tục, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Cơ bản tán thành về hồ sơ và các nội dung dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ mục tiêu ban hành nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đồng thời thí điểm cùng với một số chính sách khác để sau này tiếp tục hoàn thiện các luật liên quan để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống luôn vận động, phát triển.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu dự thảo Nghị quyết.
* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.