Hai người tử vong sau khi uống rượu triền miên suốt 2 ngày
Ngày 13/10, ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri (Bến Tre) thông tin, trên địa bàn xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri vừa xảy ra hai trường hợp tử vong nghi do bị ngộ độc rượu.
Trước đó, ngày 9/10, ông Lê Quang Cường (sinh năm 1988) cùng với ông Trà Văn Em (sinh năm 1957) và ông Đỗ Văn Tâm (sinh năm 1983) cùng cư trú ấp Nhơn Quới (xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri) tổ chức nhậu tại nhà ông Em, đến trưa cùng ngày thì dừng và ông Tâm về nhà.
Trưa 10/10, ông Tâm có dấu hiệu mệt mỏi, gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu nhưng đã tử vong nên gia đình đưa về mai táng.
Theo Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, chiều 10/10, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Văn Tâm, ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri. Người nhà khai bệnh nhân uống rượu nhiều trong 2 ngày. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, sau đỏ tím tái, ngưng thở; khi vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri đã được cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp, đặt nội khí quản... Bệnh nhân có nhịp tim trở lại và chuyển Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, loạn thần do rượu.
Theo chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, ngưng tuần hoàn hô hấp hồi sức cơ tim; theo dõi ngộ độc Methanol; theo dõi sốc tim. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn điện giải. Đến khuya 10/10 bệnh nhân chuyển biến nặng, gia đình xin về nhà.
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn Methanol trong máu của bệnh nhân Đỗ Văn Tâm tại Trung tâm Pháp y TP Hồ Chí Minh, có kết quả lớn hơn 100mg/100ml.
Cùng thời gian này, các ông Lê Quang Cường và Trà Văn Em tiếp tục uống rượu 3 lần nữa vào tối 9/10, sáng và tối 10/10. Đến sáng 11/10, ông Trà Văn Em có dấu hiệu mệt mỏi nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri, tiếp đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu nhưng đã tử vong trên đường đi.
Bác sĩ Trình Minh Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cho hay, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu trong đó có nhiều ca khi đến bệnh viện đã chuyển biến nặng và tử vong.
Theo bác sĩ Hiệp, việc lạm dụng, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc có thể gây nghiện, làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức, ảnh hưởng về tim mạch… Bên cạnh đó, lạm dụng rượu bia có thể gây ra tai nạn giao thông, mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Trường hợp uống quá nhiều, quá nhanh thì gây ngộ độc cấp tính; uống rượu kéo dài thì gây ngộ độc mạn tính. Ngoài ra, uống rượu không đảm bảo chất lượng, có hàm lượng Methanol cao vượt tiêu chuẩn cho phép có thể gây ngộ độc cấp tính, tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và có thể dẫn đến tử vong. Uống rượu quá nồng độ cho phép hoặc rượu không rõ nguồn gốc, lạm dụng rượu dễ gây ra ngộ độc rượu cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, mọi người nên hạn chế uống rượu (tốt nhất không nên uống), nếu có uống rượu thì nên chọn loại rượu bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ uống ít; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, vào tháng 8/2022, trên địa bàn xã An Hiệp (huyện Ba Tri) liên tiếp liên tiếp xảy ra các trường hợp ngộ độc rượu làm 3 người chết, nhiều người phải nhập viên cấp cứu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh, mẫu rượu gây ngộ độc làm 3 người tử vong có chỉ tiêu hàm lượng Methanol là 10.714.286 mg/l, cao hơn gấp 5.357 lần tiêu chuẩn cho phép.