Câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở di sản Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà
Các chuyên gia lo ngại, nếu không có ban quản lý chung sẽ khó tránh khỏi sự cạnh tranh, xung đột giữa hai bên, cùng nhiều bất cập từ việc nối dài chuyện "ngăn sông cấm chợ" tới cạnh tranh điểm đến...
Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà, điểm đến khiến triệu triệu trái tim du khách trong nước và quốc tế mê đắm bởi vẻ vừa hùng vỹ vừa ảo diệu, luôn đẹp và cuốn hút mọi khoảnh khắc dù là bình minh trong trẻo hay hoàng hôn rực rỡ…
Đó là một quần thể, thế nhưng nơi đây lại tồn tại ranh giới quản lý giữa hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng, gây khó cho tàu du lịch và du khách bao năm qua. Liền một dải nhưng muốn đi từ vịnh Hạ Long sang Vịnh Lan Hạ, tàu du lịch phải “đi đường vòng” thêm nửa ngày vì công tác quản lý.
Vì sao tồn tại nghịch lý này và liệu sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới (từ 16/9), tình hình có thay đổi và giải pháp nào cho câu chuyện này?
Chuyện “hậu trường” ở di sản
CEO Omega Group, bà Nguyễn Thị Thùy Nguyên, cho biết đơn vị lữ hành này đã có chục năm chuyên dòng sản phẩm du thuyền cao cấp theo tuyến Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ. Tuy nhiên, điều khiến doanh nghiệp như của bà Nguyên gặp khó là khách thường có nhu cầu trải nghiệm cả Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ 3 ngày 2 đêm.
Muốn vậy, sau khi nghỉ một đêm trên Vịnh Hạ Long, khách phải chuyển tàu bằng cách quay về bến Tuần Châu, lên tàu cao tốc để sang khu vực có du thuyền chạy tuyến Lan Hạ neo đậu ở vùng nước thuộc Gia Luận. Vì tồn tại ranh giới, không chỉ phải đặt hai lần dịch vụ, chuyển hành lý cồng kềnh, thay vì 30 phút tàu di chuyển từ Vịnh Hạ Long sang Cát Bà, khách phải đi lòng vòng thêm nửa ngày.
Bà Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi bị lỡ rất nhiều khách. Ví dụ, khách nước ngoài chọn đi Lan Hạ nhưng lại muốn đi cả hang Sửng Sốt và đảo Titop là thuộc Vịnh Hạ Long trên một hành trình. Điều này là rất khó. Khi đó, khách buộc phải lựa chọn giữa trải nghiệm tàu hay chọn tuyến có điểm đến kia.”
“Mặc dù muốn trải nghiệm tàu bên Lan Hạ và sẵn sàng trả thêm tiền để đi hang Sửng Sốt và đảo Titop nhưng điều này là đang rất khó khăn. Tôi thấy du lịch Việt có thể khai thác tệp khách lâu dài này bởi họ đã đi rồi và quay lại để đi cùng người khác. Họ đang giúp chúng ta lan tỏa điểm đến,” bà nói.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch ngủ đêm trên quần thể di sản này cho biết phải sử dụng cùng lúc hai du thuyền ở cả Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ chỉ vì câu chuyện “chưa thông” giữa đôi bên. Theo vị này, câu chuyện đã tồn tại hơn 10 năm qua.
Tổng Giám đốc du thuyền 5 sao Indochine Premium, bà Lê Phương Nhi nhắc lại kỷ niệm buồn: “Nhiều năm trước, chúng tôi từng mất tệp khách hàng Mỹ chỉ bay máy bay riêng. Họ thuê nguyên cả tàu, khoảng 10-15 khách ở và lên đảo đạp xe. Thời điểm đó, khi Vịnh Hạ Long và Lan Hạ không thể liên thông, họ đã không chỉ hủy điểm đến Di sản Thiên nhiên của chúng ta mà hủy luôn điểm đến Việt Nam.”
Trước đó nữa, doanh nghiệp của bà cũng không giữ được tệp khách quen, chuyên đi 6-7 đêm liên tục chỉ chèo thuyền kayak và đi xe đạp. Bởi cứ sau 2 đêm nghỉ, tàu lại phải quay về bờ để làm lệnh từ đầu.
Câu chuyện chưa có tiền lệ
Thực tế hiện nay, các tàu chạy tuyến Vịnh Lan Hạ phải neo đậu ở bến Gia Luận, thuộc Hải Phòng, bến nhỏ, thường xuyên quá tải và đi lại tương đối bất tiện. Muốn ra bến Gia Luận, khách phải di chuyển bằng phà Gót, nơi thường xuyên quá tải vào mùa Hè và thời gian chờ lên tới vài tiếng. Ngoài ra, đi tuyến này khách cũng tốn thêm phí nếu sử dụng phương tiện cá nhân như ôtô qua phà.
Trong khi đó, tàu chạy tuyến Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), có thể neo đậu ở ba bến: Cảng tàu khách Du lịch quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu Quốc tế Hạ Long, Cảng tàu VinaShin Hòn Gai có sức chứa lớn hơn Gia Luận.
Giá vé tham quan Vịnh Lan Hạ đang áp dụng là 80.000 đồng/người/lượt, tại vịnh Hạ Long là 200.000-250.000 đồng (tùy theo tuyến). Phí ngủ đêm trên Vịnh Lan Hạ từ 250.000-500.000 đồng, tại Vịnh Hạ Long là 550.000-750.000 đồng/ người.
Khi vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà trở thành di sản di sản thiên nhiên thế giới (từ 16/9/2023), cũng đồng nghĩa với việc lần đầu tiên ở Việt Nam có một di sản nằm trên cả hai địa phương, nên mô hình quản lý vẫn là dấu hỏi.
Chính vì thế các chuyên gia lo ngại nếu không có một ban quản lý chung sẽ khó tránh khỏi sự cạnh tranh, xung đột giữa hai bên, cùng nhiều bất cập từ việc nối dài chuyện ‘ngăn sông cấm chợ’ tới cạnh tranh điểm đến.
“Chúng tôi đồng ý với việc giới hạn số tàu, nhưng đối với Vịnh Hạ Long chỉ cần đơn giản là mở tuyến, không cố định tuyến. Vì mỗi một doanh nghiệp du lịch sẽ có đối tượng khách khác nhau. Khách Âu, khách Á có nhu cầu riêng và du khách nội địa cũng có nhu cầu khác. Chúng tôi mong có thể chạy những hải trình riêng, được thiết kế đẹp nhất trong mức phí quy định,” bà Nhi chia sẻ.
Trong khi đó, Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho rằng căn cứ quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tàu du lịch chỉ được hoạt động trong luồng tuyến du lịch đã được ghi trong giấy phép rời cảng, bến do cơ quan cảng vụ cấp.
Do vậy các tàu du lịch của Hải Phòng sẽ không được hoạt động trong khu vực Vịnh Hạ Long nếu không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Đồng thời, hoạt động tham quan trên hai vịnh cũng được phân thành các tuyến (tuyến 1-5) nhằm đảm bảo sức tải của di sản và giảm thiểu ảnh hưởng đến di sản.
“Chính phủ nên là trọng tài”
Trong khi các chuyên gia, đơn vị lữ hành đều mong mỏi hai địa phương sớm có ban quản lý chung, thì mới đây, tại họp báo thường kỳ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng (ngày 5/10), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng, ông Trịnh Văn Tú khẳng định: “Không có ban quản lý chung.”
Tuy nhiên, theo ông Tú, hai địa phương sẽ thống nhất về việc quản lý, bảo vệ giá trị di sản, thông tour, tuyến và cả giá cả dịch vụ du lịch. “Hải Phòng sẽ phải nâng mức phí tham quan Vịnh Lan Hạ bằng với Hạ Long,” ông Tú nói.
Được biết, dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hải Phòng cùng tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng một Bộ quy tắc Quản lý chung sau khi quần thể Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới hôm 16/9.
Thực tế, nhiều du khách cũng không bận tâm phân biệt quần thể di sản thuộc địa phương nào quản lý, mà điều họ muốn là trải nghiệm một hải trình đặc sắc, tinh túy và thuận tiện nhất có thể.
Bàn về câu chuyện quản lý 2 vịnh một di sản nằm trên hai địa phương, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng hai bên giáp ranh vì vậy có những giá trị tương đồng. Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận trước nên từ quản lý, đầu tư, định hướng phát triển hay phí, lệ phí… đều đã có quy chuẩn.
“Quần đảo Cát Bà ‘đi sau,’ nhưng những gì mà Vịnh Hạ Long ‘cấm’ thì Cát Bà ‘mở,’ Hạ Long có phí thì Cát Bà có thể bỏ phí. Với khách hàng hay các đơn vị du lịch, cứ ở đâu chi phí thấp mà dịch vụ tương đồng thì nơi đó sẽ hấp dẫn. Vấn đề này cũng tạo ra sự mất cân bằng hoặc mất công bằng trong hoạt động ở Hạ Long và Cát Bà. Tôi hy vọng 2 bên sẽ có một thống nhất chung cho hoạt động ở hai vịnh, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho du khách nghỉ đêm tại 2 điểm đến này,” ông Quỳnh nói.
Trước thực tế chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, theo ông Quỳnh giải pháp là đồng nhất quy chế, quy chuẩn về quản lý và đồng nhất về mức thuế, phí cho dù khách tham quan đi từ Hải Phòng hay Hạ Long. Điều này sẽ tạo công bằng trong kinh doanh cũng như cho du khách các lựa chọn phù hợp mà không phải chịu cảnh ‘một cổ hai tròng’ khi trải nghiệm di sản.
“Từ sự việc xảy ra, Chính phủ phải quy định việc kinh doanh hoạt động ngủ đêm trên biển cần những quy chế, quy chuẩn gì đồng thời thống nhất luôn mức giá. Nguồn thu từ di sản rất rất lớn, vì vậy Chính phủ cần là trọng tài để cân bằng hài hòa giữa các bên,” ông Quỳnh kiến nghị.