Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Đừng bỏ hòn than nóng vào túi
Vấn đề cũ nhưng luôn mới, bởi dăm bữa nửa tháng, chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật lại "trồi lên" giữa ngồn ngộn thông tin thời sự, nhận được sự quan tâm lẫn bức xúc của dư luận.
Mới nhất, nghệ sĩ Cát Tường, Quyền Linh quảng cáo "sữa tiểu đường" khiến dư luận đòi cấm sóng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Và ngay lúc này, chịu khó dạo Facebook một vòng sẽ chẳng thiếu cảnh nghệ sĩ nào đó đang mải miết mời người hâm mộ của mình "chốt đơn".
Mặc dù từ năm 2021, chúng ta đã có bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành), song có vẻ văn bản này đã bị ngó lơ.
Rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng pháp luật để xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Các nước "đánh" vào kinh tế với những trường hợp quảng cáo thổi phồng sự thật. Năm ngoái, ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Kim Kardashian bị phạt 1,26 triệu USD sau khi đăng tải quảng cáo tiền số Crypto.
Một loạt sao hạng A ở các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, thời trang cũng vướng vụ kiện trị giá 11 tỉ USD vì quảng cáo cho sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Riêng Trung Quốc, ngoài "đánh" vào kinh tế, người vi phạm sẽ không được phép nhận bất cứ hợp đồng đại diện nhãn hàng trong vòng ba năm.
Ở ta, nghệ sĩ quảng cáo đủ thứ, từ tiền ảo, thực phẩm chức năng... đến mỹ phẩm. Không ít người bị "tố" quảng cáo "láo", "sai sự thật", "nói quá", "quảng cáo bậy"... nhưng hình như chưa có ai - kể cả những trường hợp vi phạm nặng - bị xử phạt mạnh tay cả.
Sau vài lời xin lỗi trước truyền thông, vòng quay nhận tiền quảng cáo lại tiếp tục...
Vì vậy, nhiều độc giả đã bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc lập danh sách nghệ sĩ vi phạm, phải hạn chế xuất hiện.
Theo đó, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng... thì ngoài xử lý theo quy định pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ đưa vào diện xem xét kiểm soát hạn chế hình ảnh, hoạt động.
Vài năm trước ở London (Anh), họa sĩ AI Murphy công bố một triển lãm khá hài hước và châm biếm có tên False Advertising (Quảng cáo sai sự thật).
Là một nghệ sĩ có mối quan hệ lâu dài và phức tạp với ngành quảng cáo, AI nói: "Một mặt, nó nuôi sống gia đình tôi, giúp tôi thành công trong sự nghiệp suốt 20 năm qua. Mặt khác, cũng khiến tôi hoài nghi về đạo đức và chức nghiệp của chính mình, bởi nói cho cùng tôi vẫn nhận lời quảng cáo những sản phẩm đôi khi có vấn đề".
Không ít người hâm mộ nhẹ dạ cả tin, có phần ngây thơ, trở thành "con mồi" của những chiêu trò quảng cáo sai sự thật nhờ sự tiếp tay của nghệ sĩ. Đừng dễ dãi nhận tiền quảng cáo, đừng "nói vống" lên bản chất món hàng mà họ bán. Và nếu không hiểu về món hàng đó, đừng tiếp tay. Chỉ vậy thôi, "ơn giời", môi trường giải trí cũng "sạch" đi nhiều!
Nhận quảng cáo kiếm thêm thu nhập chẳng xấu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam, nghề nghiệp lắm khi chẳng nuôi sống nổi nghệ sĩ. Nhưng nhận tiền quảng cáo không đúng sự thật cũng giống như bỏ hòn than nóng vào túi.
Trước khi bị các cơ quan chức năng "tuýt còi" xử phạt, nghệ sĩ sẽ phải nhận một án phạt khác lớn hơn nhiều. Và có hình phạt nào "đau" bằng cái quay lưng của chính khán giả từng mến mộ mình?