“Sân khấu online" - nơi thỏa đam mê ca hát
Không cần hát trực tiếp trên sân khấu hay các phòng trà mới có khán giả theo dõi, giờ đây nhiều người đã tận dụng tính năng livestream trên điện thoại thông minh, đưa giọng hát của mình tới đông đảo khán giả.
Kết nối
Năm 2015, từ khi nền tảng mạng xã hội Facebook có tính năng livestream, bà Đặng Thị The (64 tuổi) ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đã nhờ con cháu hướng dẫn và thử hát online trên mạng xã hội. Bà từng là cây hát chèo nổi bật, thường làm chủ các sân khấu văn nghệ của phường và nhiều địa phương lân cận.
Đến tháng 3/2021, bà thành lập Câu lạc bộ Hát dân ca và chèo Hải Dương kết nối mọi miền trên Facebook. Sau hơn 2 năm thành lập, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 3.200 thành viên, chủ yếu là những người yêu ca hát ở Hải Dương và một số tỉnh lân cận.
Hằng ngày, sẽ có 3 khung giờ là 13 giờ 30 - 14 giờ 30, 19 - 20 giờ, 20 - 21 giờ để các thành viên vào câu lạc bộ livestream ca hát. Với số lượng thành viên đông như vậy, mỗi tháng một người sẽ được lên livestream hát 1 lần.
Từ khi có câu lạc bộ, bà dành nhiều thời gian chăm chút cho “ngôi nhà nhỏ" này hơn nên các hoạt động bên ngoài cũng ít dần. Thời gian chủ yếu bà dành cho mạng xã hội để chào đón thành viên mới, đọc và kiểm soát bình luận, động viên các ca sĩ khi ca hát…
“Tôi tuổi già, chân đau không còn hoạt động trong các đội văn nghệ ở địa phương nữa nên tham gia ca hát trên Facebook như vậy cũng thuận tiện, vẫn giữ được đam mê. Tôi cứ trách bọn trẻ dùng nhiều điện thoại là nghiện nhưng tôi thấy mình cũng nghiện mạng xã hội rồi", bà The cười nói.
Không chỉ có câu lạc bộ của bà The, ở Hải Dương có nhiều câu lạc bộ khác được thành lập trên Facebook để kết nối đam mê ca hát như Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương Hải Dương kết nối bốn phương, Câu lạc bộ Hải Dương kết nối ba miền, Câu lạc bộ Tình bạn Cẩm Giàng vui ca hát kết nối bốn phương, Câu lạc bộ Hát với niềm đam mê… Thành viên chủ yếu của những câu lạc bộ này là những người trung tuổi, đã về hưu.
Đam mê
Cũng như bà The, ban ngày, bà Đặng Thị Lý (59 tuổi) ở xã Minh Tân (Nam Sách) gắn bó với việc đồng áng. Tối trở về nhà, bà lại được sống với niềm đam mê ca hát của mình. Bà Lý vốn là một cây văn nghệ ở địa phương, thường góp giọng vào các dịp lễ hội đặc biệt.
Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngưng trệ, bà ít có cơ hội thể hiện giọng hát của mình. Gia đình bà đã đầu tư dàn karaoke hàng chục triệu đồng để hát ở nhà. Đồng thời, được con cháu hướng dẫn, tạo tài khoản Facebook, tiếp cận công nghệ, bà cũng bắt đầu thử ca hát trên “sân khấu online" này.
“Mở Facebook ra tôi thấy nhiều chị em livestream hát hò lắm nên tôi cũng bảo con cháu hướng dẫn để làm thử. Trên Facebook mọi người có thể thả tim, bình luận, tặng hoa… tạo động lực cho tôi rất nhiều khi ca hát", bà Lý nói.
khoảng 5 năm trước, ông Đào Văn Thiện (53 tuổi) ở xã Tân Hương (Ninh Giang) bắt đầu tập tành livestream ca hát trên Facebook. Ông đầu tư một bộ thiết bị livestream gồm sound card, micro, chân máy, tai nghe… với giá hơn 2 triệu đồng. Được bạn bè hướng dẫn, làm quen với các thiết bị, học cách livestream trên Facebook, ông đã bắt đầu thể hiện những tiết mục đầu tiên trên nền tảng này.
“Tôi đam mê ca hát từ nhỏ, ngày ấy cứ kiếm được cái que cũng đưa lên làm micro để hát. Đến thời sinh viên thì ôm cây đàn ghi-ta nghêu ngao hát với bạn. Bây giờ ở địa phương, tôi tham gia đội văn nghệ của thôn, xã và tập ca hát online trên Facebook", ông Thiện chia sẻ.
Khi mới tập livestream trên trang cá nhân, ông Thiện vô cùng thích thú. Có những ngày ông hát online 2 buổi sáng và tối, mỗi buổi kéo dài 2 tiếng không nghỉ. Sau đó ông tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm trên Facebook. Với giọng hát hay và số thành viên đông đảo trên các hội nhóm, mỗi livestream của ông thu hút hàng trăm lượt xem, hàng nghìn lượt bình luận. Dòng nhạc ông thể hiện chủ yếu là nhạc trữ tình.
Theo ông Thiện, việc ca hát online trên Facebook giúp ông chỉ cần ngồi ở nhà mà tương tác được với bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí còn ở cả nước ngoài. Đồng thời những ai chưa kịp vào xem khi livestream thì có thể xem lại.
“Con tôi đang du học ở nước Anh gọi về nói ở bên đấy vẫn theo dõi được bố mẹ ở nhà ca hát", ông Thiện cho biết.
Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội không chỉ lôi cuốn người trẻ mà còn hấp dẫn đặc biệt với những người lớn tuổi. Các ông, các bà ngoài những giờ làm đồng, nấu cơm, trông cháu lại dành thời gian online trên mạng xã hội để giải trí.
Những giọng hát ngày trước chỉ dừng lại ở những sân khấu địa phương thì nay đã vượt qua biên giới, tiếp cận đến nhiều khán giả hơn. Đây cũng là công cụ đơn giản để họ thỏa niềm đam mê âm nhạc ở tuổi xế chiều.