Truyện ngắn

Bước đến

THANH HẢI 15/10/2023 07:00

Trúc bước đến chỗ người đàn ông đang khiến trái tim cô xao động. Trúc cảm thấy mình bước đi một cách vô thức, mãi không tới được nơi Trọng đang đứng.

bhd_20231310_truyennganbuocdem_1(1).jpg
Minh họa: HUY CHƯƠNG

Đêm.

Trăng mười tám nhờ nhờ sáng ngoài cánh đồng. Trúc chợt thức giấc, tiếng côn trùng rộ lên từng chặp.

Từ ngày mẹ chồng mất, Trúc bớt một gánh nặng. Hai đứa con gái, đứa lớn mười hai, đứa nhỏ lên mười đã có thể tự lo hai bữa cơm giúp mẹ.

Mấy sào ruộng không đủ sống, Trúc đi phụ hồ những ngày bớt việc, cuộc sống đắp đổi qua ngày.

Lam lũ vậy mà nhìn Trúc không già. Ngoài ba mươi, thân thể săn chắc, làn da hồng hào khỏe khoắn. Nét duyên dáng của người đàn bà xuân sắc khiến nhiều người để ý. Ai cũng bảo thằng chồng có phước mà không biết hưởng, lại đi theo cái thứ nạ dòng bỏ vợ bỏ con. Thực ra Trúc biết hắn cũng chẳng sung sướng gì. Ở nhà vốn đã lười biếng, đi theo đứa con gái mụ bán thịt ra nước ngoài rồi cũng vẫn vậy, làm chẳng đủ tiền mà về...

Gâu... Gâu... Gâu...

Rộ tiếng chó sủa. Trúc ngồi dậy hé cửa nhìn ra đường. Chiếc xe tải dừng lại, hai bóng người trên xe bước xuống, quẳng những thùng, hộp bên cạnh khu đất trống gần lều canh nhà ông Thạch. Họ đã thi công đường cao tốc gần đến khu này nên làm lán để ở.

Mới hơn ba giờ sáng, Trúc tắt điện định ngủ tiếp thì nghe tiếng gọi khẽ:

- Có ai còn thức cho tôi xin nhờ thùng nước.

- Rõ vô ý! - Trúc lẩm bẩm nhưng cũng bước ra mở cổng cho anh ta vào.

- Làm phiền chị đêm hôm. Xin lỗi chị nhé!

Anh ta vặn nước xoe xóe vào chiếc can nhựa trắng. Qua ánh điện mờ, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo sơ mi, dính vào ngực anh ta, lộ những lằn cơ chắc lẳn.

Trúc không nói gì khi người đàn ông ấy chào và ra về, cô thoáng thấy anh ta còn ngoảnh lại mấy lần đợi chủ nhà khép cổng.

Chiều hôm sau đi làm về, căn lán tôn rộng rãi mọc lên bên khu đất trống... Trúc nhận ra dáng dấp người thợ cầu đường. Trọng, tên anh ta, có lẽ vậy. Nụ cười bâng quơ khiến Trúc thấy vui vui.

- Mẹ ơi! Chú ngoài kia cho nhà mình bánh với cả mấy quyển sách. Cả hai cái thùng sơn nữa.

- Ai cho chúng mày lấy đồ của người lạ? Lần sau không được thế nhé!
Trúc mắng hai đứa nhỏ rồi dắt xe ra sau nhà. Đôi thùng sơn sạch sẽ để cạnh nhà tắm. Trúc chột dạ. Chẳng lẽ anh ta biết mình đang dùng những chiếc xô công trường để đựng nước?

Ăn xong, ba mẹ con nằm khểnh xem ti vi. Trúc lật thử mấy trang đầu cuốn sách để trên chiếc bàn gỗ.

- NUÔI GIUN KINH TẾ, đúng là lắm trò! Thời nay ai còn đọc mấy thứ sách này. LÀM GIÀU TỪ NUÔI GIUN. Khiếp! Trúc quăng những cuốn sách trên mặt bàn rồi ngủ thiếp.

Ngôi làng nhỏ bé rộn lên những lời đàm tiếu. Hình như đã quen, Trúc chẳng thèm bận tâm. Lại mấy cái chiêu trò của tên buôn cá đáng ghét!

Vợ hắn hiền lành nhu nhược, mang tiếng hai đứa con đi Đài Loan gửi tiền về mà chẳng biết đồng tiền ngang dọc ra sao. Đã thế chị ta lại còn ăn mặc tuềnh toàng để chồng kiếm cớ chê bai, gái gú.

Mấy lần bị xua đuổi mà tên buôn cá vẫn mò đến nhà chị. Có lần Trúc quăng cả con cá lớn vào mặt hắn rồi đẩy ra khỏi cổng.

Lần này hắn lại thêu dệt chuyện Trúc với Trọng. Vậy mà cũng có kẻ a dua vào đó. Đúng trâu buộc ghét trâu ăn!

... Người ta bảo cứ luôn lo lắng mình ốm sẽ có lúc ốm thật. Trúc dè chừng tránh nghĩ đến Trọng, cuối cùng lại nhận ra mình đang bị anh ta làm cho mê hoặc.

- Gớm! Nay chị ấy thay áo rồi mới ra thăm đồng. Hỏi còn chả thèm giả lời. Gà mọc đuôi tôm cả rồi!

Trúc sực tỉnh vì tiếng bà bác chồng lanh lảnh bên tai. Máu giận bốc lên, chị định đốp lại vài câu cho bõ ghét.

Thật may, chiếc mũ nhựa vàng của người thợ cầu đường lấp ló sau mấy cái thùng phuy khiến Trúc kịp dừng lại. Hình như anh ta cũng nghe tiếng người đàn bà vóng lên lúc nãy và hiểu Trúc đang gắng giữ bình tĩnh...

Góc ruộng có một con mèo chết trương phình bốc mùi hôi thối, lúc nhúc những con bọ nhỏ xíu ngo ngoe. Trúc bịt mũi rồi quay về. Ngang qua ruộng dưa nhà bác chồng, cố ý chào thật lớn:

- Về thôi bác ơi! Xác con mèo chết hôi lắm. Xuôi gió không ngửi nổi đâu bác!

- Chị về trước đi. Thăm ruộng thế thôi à? Mà có đ. gì ngày nào cũng thăm...

Trúc không đáp lại, bước nhanh qua khu lán để sang phía bên kia đường. Đàn gia súc lục tục theo nhau về trên con đường bê tông rộng. Những cái bụng no tròn phởn phơ dưới ánh nắng đang tắt dần. Từ ngày con đường cao tốc chia đôi cánh đồng, một diện tích không nhỏ ruộng bị bỏ hoang. Đàn trâu bò có vẻ tăng lên đáng kể.

Trúc nhón chân nhảy qua cái rãnh nhỏ tắt sang lối về. "Phân trâu bò biết cách xử lý nó là nguồn lợi giúp phát triển kinh tế khả quan lắm đấy!". Trúc nhớ lời Trọng nói và cảm thấy anh ta có lý qua những câu chuyện làm giàu của bạn anh ta.

Trọng kém Trúc hai tuổi. Nắng gió đen sạm nên nhìn Trọng già hơn Trúc rất nhiều. Lỡ gọi anh rồi Trúc không sửa lại. Trọng vẫn giữ lễ gọi Trúc bằng chị mỗi khi tiếp chuyện.

Chiều nay ra thăm đồng, Trúc không thấy xác con mèo ở góc ruộng. Chỗ đó lại thấy mấy con chuột chết nổi lềnh bềnh. Trúc hiểu là Trọng đang muốn thử cái việc mà anh ta cho là có thể.

Đúng như Trúc nghĩ, về đến nhà, Trọng và hai đứa trẻ đang loay hoay với cái hộp gỗ ở cuối vườn. Trọng khoát tay bảo chúng tránh ra xa, rồi đậy lại bằng chiếc sàng hỏng đè viên gạch vỡ lên.

- Giòi nhiều lắm mẹ ơi!

Con bé Mai kéo mẹ lại gần cái hộp. Trúc nhòm vào, xác con mèo đã bị lũ giòi ăn thủng ruột. Mùi xú uế đã hết. Trọng xếp lên đó những rau quả hư thối và giải thích lũ giòi sẽ giải quyết đến chúng ngay thôi.

- Thế này thì ô nhiễm chết! Trúc làm bộ hốt hoảng la lên.

- Đây chỉ là mô hình thôi. Nếu được phải bố trí ở xa chứ! Mai tôi sẽ chỉ chị chỗ lấy nguồn gây giòi này. Trại gà bên sông ấy, ngày nào chả có gà chết. Không thì phụ phẩm các lò mổ.

Trúc ngoay ngoảy đi vào nhà. Trọng thì thầm gì đó với hai đứa trẻ rồi lẳng lặng đi về.

Chỉ mấy ngày, những con giòi lớn như thổi. Chúng tiêu hủy hết xác con mèo, ăn cả mớ quả thối mà Trọng và hai đứa trẻ đưa vào, giờ chúng to như ngón tay út, bò lổm ngổm phát khiếp.

Chiều tối Trọng đổ hộp giòi ra cái sàng thưa. Rác mùn và lũ giòi lọt qua mắt sàng rơi xuống. Phải ngót một cân giòi. Trọng bấm đốt ngón tay. Ba, bốn, năm, sáu...

- Thành công rồi! Đây là thức ăn bổ dưỡng dành cho gia cầm và cá đấy!
Rồi quay sang Trúc, anh ta hồ hởi:

- Có khoảng mười cái hộp này quay vòng, mẹ con chị nuôi cả trăm con gà vẫn thoải mái. Mà có mất gì đâu! Rau quả bỏ ngoài đồng, xúc vật chết thì trong trang trại, lò mổ... Thêm ngô thóc nữa là đủ.

- Anh nói cứ như đếm cua trong hang nhỉ?!

- Thật đấy mà! Cái ruộng gần nghĩa địa chị cứ mang xác gia cầm chết về đó mà gây. Hết bốc mùi thì đưa về, xin rau củ mang về bỏ lên hằng ngày. Lấy giòi xong, chất thải này làm phân bón tốt phải biết.

Từ hôm ấy Trúc thấy mình bị cuốn vào cái mô hình của Trọng quên cả những lời đàm tiếu. Trọng với mười cái hộp gỗ đã bắt đầu cho ra những con giòi khủng. Đàn gà nhà Trúc ăn không xuể lớn nhanh trông thấy. Trọng nghĩ tới việc vét lại cái ao sau nhà Trúc. Vốn dĩ nó là ao hợp tác, khi bố chồng Trúc còn sống đã kịp vào "sổ đỏ" gia đình. Không có điều kiện lấp, ao cũng đầy dần.

Trọng bàn với Trúc mua gạch xây bao tường quanh vườn cho gọn gàng. Trúc đồng ý vì đó cũng nằm trong kế hoạch từ lâu.

Trọng đưa máy xúc về múc sâu thêm. Giờ Trúc đã có cái hồ xinh xắn lấy nước vào ra thông sang ao nhà ông Thạch. Trúc hài lòng vì giờ đã có nước tưới cho mảnh vườn luôn khô cằn... Quanh hồ có lối đi, Trọng bố trí những chỗ thích hợp để những chiếc hộp gỗ.

*

- Chả mấy mà kéo về góp gạo nấu cơm chung.

- Gớm cái dân nay đây mai đó ấy mà...

Nghe những lời thì thào ngoài chợ, Trúc thấy bực bội. Không để ý đến thị phi mà Trúc lo lắng vẩn vơ chuyện khác. Xong công trình Trọng đi chắc chắn mẹ con Trúc sẽ rất trống trải.

Anh chàng buôn cá mấy lần gầm ghè với Trọng giờ thì im lặng quan sát. Hắn thấy Trọng đi đâu đó hai ngày khi về mang theo chiếc hộp nhỏ. Trọng lại loay hoay với mấy cái thùng gỗ tự tạo ở góc lán để vật dụng công trường... Hắn thấy Trọng gom phân trâu bò, vơ rạ mục ủ rồi bới ra đưa vào hộp đó.

Ban đầu còn dửng dưng, giờ thì cả ba mẹ con Trúc đều hào hứng. Đi làm về rẽ vào chợ, Trúc gom hết tất cả những thứ có thể để phục vụ những cái hộp gỗ.

Những con giun hồng hồng trở nên đáng yêu thoắt ẩn hiện dưới lớp mùn phân trâu, rác mục.

Đã có vài người tìm đến học cách làm của Trúc. Từ những con giun ban đầu nhân ra, Trúc đã có thêm mấy mối khách để bán giun quế giống.

Trúc bỏ hẳn việc đi phụ hồ, ở nhà chăm sóc ruộng vườn ao cá và đôi bò giống. Theo ý Trọng, Trúc đã cho xây một dãy lán cuối vườn lợp mái che, có điện thắp sáng.

Ở đó, mấy bể giun dần mang lại nguồn lợi kinh tế mà Trúc không ngờ tới. Từ phân trâu bò, rơm rạ ủ mục, đến những phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng đã cho Trúc những lứa gia cầm rút ngắn thời gian và kinh phí đầu tư xuống thấp nhất. Phân giun sàng ra còn bán lại cho các hộ trồng cây cảnh.

Mải nghĩ vơ vẩn, Trúc lang thang ra phía lán. Không thấy bóng Trọng, Trúc buồn buồn.

Từ tối qua, Trọng ít nói ít cười hẳn. Nghe bảo cung đường thi công đã hoàn thành, Trọng sắp rời đến địa bàn khác. Trọng buồn một, Trúc buồn gấp mấy lần. Đã quen với sự hiện diện của Trọng mọi lúc mọi nơi, suốt gần năm trời, cái thứ tình yêu trai gái đã bén rễ sâu trong lòng Trúc.

Trọng chưa bao giờ bộc lộ, nhưng Trúc nhận ra nét dịu dàng ưu tư trong ánh mắt Trọng. Trúc thổn thức đợi chờ, nhận ra mình trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Tự an ủi mình dù Trọng có đi đâu, ngôi nhà nhỏ của mẹ con Trúc vẫn là nơi Trọng trở về.

Bóng dáng quen thuộc thấp thoáng phía hồ cá. Trúc bước đến chỗ người đàn ông đang khiến trái tim cô xao động. Trúc cảm thấy mình bước đi một cách vô thức, mãi không tới được nơi Trọng đang đứng.

- Đừng quên tưới đẫm nước sau khi đổ mùn. Để vậy khô quá! Nhớ phải thắp điện đấy. Lứa này chậm nhất tháng rưỡi cho thu hoạch thôi.
Im lặng, Trúc nhận ra cảm giác chia xa, hẫng hụt.

- Sau này sẽ có người tới mua con giống, cứ bán đi rồi hướng dẫn người ta làm theo mình. Còn cá thì khi nào được bán Trúc gọi điện cho Trọng về.

Trúc thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Trọng đang chào để rồi đi. Vẫn chỉ là những lời xa cách vậy.

- Trúc!

- Dạ! - Trúc hơi sững người khi Trọng gọi.

- Trọng cho Trúc xem cái này nhé! Đây này!

Trọng gạt tay, nhẹ nhàng mở màn hình chiếc điện thoại cảm ứng.

- Đây là bà xã và con trai Trọng. Cô ấy bị tai nạn giao thông đã hơn sáu năm nay... Trọng biết tình cảm của Trúc, hiểu lắm nhưng không làm khác được. Từ khi bị liệt, cô ấy được mẹ Trọng chăm sóc. Sau này mẹ Trọng già yếu chưa biết tính sao. Con thì còn nhỏ, năm nay cháu mới tám tuổi. Cô ấy luôn dằn vặt vì trở thành gánh nặng cho gia đình chồng. Bây giờ lúc nào cô ấy cũng như sợ hãi cái gì đó. Trọng không nỡ làm cô ấy thêm buồn. Trọng hiểu Trúc mà! Có những điều không thể nói được, chỉ cảm nhận thôi!

Trúc đưa tay lén quệt nước mắt. Tình yêu tưởng là thứ tình cảm thăng hoa hóa ra rất nặng nề. Nhưng Trọng nói ra rồi, Trúc cũng cảm thấy nhẹ bớt.

- Thỉnh thoảng anh về thăm mấy đứa nhỏ nhé!

- Trọng sẽ về mà! Đừng buồn, Trúc đã hiểu cho lòng Trọng rồi đúng không? Gắng sống thật tốt nhé!

- Lúc nào thì đi?

- Không gì thay đổi chiều mai Trọng đi trước. Anh Thành và mọi người ở lại dỡ lán đi sau.

- Trưa mai anh về ăn với mẹ con em bữa cơm mà chia tay chị em cái Mai.

- Ừ, đừng tỏ ra yếu đuối trước mặt bọn trẻ. Vừa làm mẹ vừa phải làm cha khổ lắm. Có khó khăn gì Trúc cứ gọi Trọng nhé!

Trúc không đáp, dựa lưng vào gốc xoài nhìn xuống mặt hồ. Sau mưa, lũ cá nổi đớp bóng trên mặt nước. Trọng ném một viên sỏi nhỏ, chớp mắt quanh chỗ viên sỏi rơi xuống chẳng thấy còn cái miệng cá nào ngớp.
Bỗng nhiên Trúc ước một lần trong vòng tay được Trọng an ủi vỗ về. Rồi sực nhớ Trọng cần khoảng cách. Trúc gạt bỏ ý nghĩ ảm đạm là mình không thể thuộc về người mình yêu quý.

Rồi Trúc lại tự an ủi mình. Tất cả những điều Trọng đã làm là vì cái gì? Chắc chắn đó không phải là những điều vô nghĩa.

Tình yêu như vậy đó!

THANH HẢI