Môi trường

Cứu lấy những dòng sông

VĂN NGHIỆP16/10/2023 15:22

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân những địa phương liên quan, trong đó có Hải Dương. Làm gì để hồi sinh những dòng sông này?

W_nguon-nuoc8.jpg
Trạm bơm Bình Lâu (TP Hải Dương) bơm nước thải sinh hoạt ô nhiễm từ kênh T2 ra kênh Kim Sơn

Bức tử

Một buổi sáng thứ bảy mát mẻ, với tâm hồn lãng mạn thưởng ngoạn cảnh sắc mùa thu, tôi đạp xe trên đường Trường Chinh hướng về cầu Cất (TP Hải Dương). Nhưng đến đoạn đường cách Trạm bơm Bình Lâu hơn 100 m thì tôi thực sự mất hứng bởi mùi hôi thối khó chịu. Càng đến gần trạm bơm, mùi hôi thối càng nồng nặc. Rẽ vào đường Bình Lộc tiến ra phía trước khu vực Trạm bơm Bình Lâu, mặc dù đã 8 giờ sáng nhưng những ngôi nhà ở sát kênh Kim Sơn, cách trạm bơm chưa đến hai chục mét vẫn đóng kín cửa.

Thấy lạ, tôi lân la hỏi thăm những hộ dân ở đây thì được biết cứ tầm 7 giờ sáng hằng ngày, Trạm bơm Bình Lâu vận hành bơm nước thải sinh hoạt từ kênh T2 đổ thẳng vào kênh Kim Sơn, mỗi lần bơm kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. "Không thể chịu nổi mỗi khi máy bơm hoạt động, dòng nước thải đen kịt như bị khuấy lên, bốc mùi hôi thối tỏa ra không gian hai bên khúc sông này. Nhà tôi ở gần trạm bơm nên bị ảnh hưởng nặng nhất, cửa chính và tất cả các cửa sổ phải chèn kín giẻ để giảm mùi hôi thối vào trong nhà", bà Phạm Thị Quế ở số 1 đường Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) chia sẻ.

W_nguon-nuoc0.jpg
Bà Phạm Thị Quế ở số nhà 1 đường Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) dùng giẻ chèn kín khe cửa ngăn mùi hôi thối vào nhà

Tương tự, bà Đinh Thị Bình nhà ở đối diện Trạm bơm Bình Lâu, phía bờ bên kia kênh Kim Sơn cũng cho rằng tình trạng ô nhiễm này khiến nhiều người dân ở đây bị bệnh về đường hô hấp, nhất là người già và trẻ em. Vậy nên dù đã qua thời dịch Covid-19 nhưng những người dân sống ở đây vẫn gắn bó với chiếc khẩu trang.

"Những năm 90 của thế kỷ trước, nước ở sông này khá sạch, nhiều nhà như nhà tôi còn lấy nước sông lọc qua để ăn uống, sinh hoạt. Nhưng giờ nước bẩn, từ lâu lắm rồi tôi không dám thò tay xuống sông", bà Bình vừa chỉnh lại khẩu trang vừa nói.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải khép kín nên không chỉ kênh T2 mà tất cả các nguồn thải phát sinh từ các kênh trục cấp II khác ở Hải Dương như T1, Thạch Khôi-Đoàn Thượng, Chùa So-Quảng Giang... đều đổ dồn về đây, gây ô nhiễm nặng nề.

Muốn tìm hiểu thêm về thực trạng này, tôi xin đi cùng tổ tuần tra, kiểm soát của Trạm Quản lý công trình sông Sặt trên kênh Đĩnh Đào. Đi dọc bờ hữu kênh này đến khu vực gần cầu phao Ô Xuyên thuộc xã Cổ Bì (Bình Giang), tôi thấy nhiều hộ dân đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phía ngoài bờ kênh, sát lòng kênh.

"Các trường hợp này chúng tôi đều đã lập biên bản vi phạm, đề nghị chính quyền địa phương xử lý, yêu cầu người dân thu gom, không xả nước thải, chất thải từ chuồng trại xuống lòng kênh. Tuy nhiên, tình trạng này không được cải thiện", một cán bộ Trạm Quản lý công trình sông Sặt cho biết.

Điển hình vi phạm là hộ bà Lê Thị Liên ở xã Cổ Bì. Nhà bà này nuôi hàng nghìn con vịt trong dãy chuồng dài khoảng 40 m, cách bờ kênh gần 100 m, nằm cạnh lòng kênh. Hộ bà Liên còn làm hàng rào tôn dài khoảng 50-60m, cao hơn 3 m, cắm sát bờ kênh, che kín không nhìn được vào bên trong.

W_nguon-nuoc-6.jpg
Ông Phạm Đình Loản ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) thả vịt xuống lòng kênh Đĩnh Đào gây ô nhiễm

Tình hình ở một số địa phương khác cũng không khá khẩm hơn. Hộ ông Phạm Đình Loản ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) cũng làm dãy chuồng vịt ngay cạnh bờ tả kênh Đĩnh Đào, cách cầu phao Ô Xuyên chỉ vài chục mét. Dưới sông ông Loản cắm cọc tre quây lưới để thả vịt.

Hoạt động đổ trộm rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng ra khu vực bờ kênh Bắc Hưng Hải gây ô nhiễm nguồn nước cũng diễn ra phổ biến không chỉ ở Hải Dương mà còn ở các địa phương khác trong hệ thống Bắc Hưng Hải.

Clip đổ trộm rác thải ra khu vực bờ kênh Điện Biên ở xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu (Hưng Yên)

Nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình sản xuất nông nghiệp. Cuối tháng 2/2023, hơn 100 ha lúa ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) thiếu nước tưới, bị nứt nẻ do nước các kênh Kim Sơn, Tây Kẻ Sặt ô nhiễm nặng, đen đặc, bốc mùi hôi thối.

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải), tổng lượng nước xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là hơn 500.000 m3/ngày đêm. Trong đó mới có 95.000 m3 (chiếm 19%) nước thải đã được xử lý, còn lại là chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa bảo đảm. Nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý từ các khu đô thị, khu dân cư chiếm khoảng 70%, còn lại là nước thải công nghiệp từ các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề.

Vướng mắc

Từ năm 2018-2022, Công ty Bắc Hưng Hải đã phối hợp cùng Đoàn thanh tra liên ngành Cục Thủy lợi, Cục Cảnh sát môi trường kiểm tra, xử lý 13 đơn vị xả nước thải ô nhiễm vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.

Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Điều hành hệ thống (Công ty Bắc Hưng Hải) cho biết trong phạm vi từ bờ kênh đến lòng kênh có rất nhiều khu dân cư đang sinh sống nên việc kiểm soát nước thải sinh hoạt hết sức khó khăn. Nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ nguồn nước còn hạn chế. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng lúc mưa to, đêm tối để xả trộm nước thải hoặc chôn lấp đường ống xả thải tinh vi khó phát hiện. Các cấp chính quyền địa phương cũng chưa xử lý triệt để nên vi phạm vẫn tồn tại. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện để xử lý nước thải.

W_nguon-nuoc-10.jpg
Nước thải sinh hoạt của người dân không được xử lý xả vào Trạm bơm Bình Lâu

Ông Đào Văn Chương, Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình Xuân Quan cho biết hệ thống Bắc Hưng Hải chủ yếu lấy nước từ sông Hồng vào cung cấp cho toàn bộ hệ thống qua cống Xuân Quan. Trong những năm gần đây vào mùa khô, nhất là do nạn khai thác cát trên sông Hồng làm hạ thấp đáy sông. Do thiếu hụt nguồn nước nên hệ thống Bắc Hưng Hải không pha loãng và đẩy được nước ô nhiễm ra bên ngoài.

W_nguon-nuoc-12.jpg
Hệ thống Bắc Hưng Hải chủ yếu lấy nước từ sông Hồng qua cống Xuân Quan ở Văn Giang (Hưng Yên)

Cần giải pháp đồng bộ

Để hồi sinh những dòng sông trong hệ thống Bắc Hưng Hải cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Trong thông báo Kết luận số 315/TB-VPCP ngày 9/8/2023 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nêu rõ 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ gồm: giải pháp, nhiệm vụ về quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải; thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Trong đó, nhóm giải pháp, nhiệm vụ đầu tiên là tập trung hoàn thành quy hoạch 4 tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải; xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng...

TP Hải Dương đang xây dựng hệ thống thu gom nước thải trong dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực thành phố. Cùng với việc triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong dự án này khi hoàn thành sẽ giảm đáng kể tình trạng nước thải ô nhiễm từ kênh T1, T2 đổ trực tiếp vào kênh trục Bắc Hưng Hải như hiện nay.

W_nguon-nuoc-4.jpg
Thi công hoàn trả mặt bằng lắp đặt đường ống thu gom nước thải ở TP Hải Dương

Trong năm 2022 và 2023, Công ty Bắc Hưng Hải đã tổ chức cho 10.608 hộ dân của 104 xã sinh sống dọc theo các tuyến kênh ký cam kết với không đổ rác thải, chất thải, xả nước thải ra kênh; lắp đặt 52 biển hiệu tuyên truyền bảo vệ công trình thủy lợi. Bám sát tình hình khí tượng thủy văn, kế hoạch sản xuất của các địa phương thực hiện việc thay nước, vận hành các cống để phân vùng, giảm thiểu ô nhiễm lây lan trong hệ thống.

Công ty Bắc Hưng Hải cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khi cấp phép xả thải cần xem xét ý kiến của đơn vị trực tiếp quản lý để bảo đảm khả năng tiếp nhận của công trình và thực hiện việc giám sát xả thải theo quy định. Đồng thời sớm lắp đặt hệ thống quan trắc nước mặt tự động theo dự án đã được duyệt. Các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp xả thải gây ô nhiễm. Tăng cường thêm kinh phí để nạo vét, khơi thông dòng chảy, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải thuận lợi cho dẫn nước tưới tiêu.

Hệ thống Bắc Hưng Hải được xây dựng từ ngày 1/10/1958 với tổng chiều dài kênh trục chính 232 km, 491 km bờ kênh, các tuyến kênh chính gồm: Kim Sơn, Cửu An, Điện Biên, Tây Kẻ Sặt, Nam Kẻ Sặt, Đình Dù, Lạc Cầu, Đồng Than, Tràng Kỹ, Đĩnh Đào, Lộng Khê - An Thổ, Lộng Khê - Cầu Xe, kênh Cái. Đây là đại công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng phục vụ đa mục tiêu gồm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh cho 4 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.

VĂN NGHIỆP