Sẽ trình Chính phủ phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém
Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội, đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt/TCTD yếu kém, năm 2022 NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.
Các ngân hàng này gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng mua bắt buộc.
NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.
NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.
Riêng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Đồng thời, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
NHNN cho biết quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và NHTMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
Ngoài ra, năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém.
Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật các TCTD (sửa đổi), trong đó tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro của TCTD, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông để thao túng hoạt động ngân hàng vì mục đích vụ lợi.
Chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.