Chính quyền ở đâu khi người dân bị lừa?
"Hội nghị khách hàng" ở đâu thì ở đó có hàng trăm nạn nhân mắc bẫy. Chính quyền địa phương lẽ nào không hay biết?
Gần đây, báo Hải Dương đăng liên tiếp 2 sự việc tương tự nhau diễn ra ở Cẩm Giàng và Tứ Kỳ. Hai sự việc trên có chung hình thức giăng bẫy, đó là mời người dân đến tham gia "hội nghị khách hàng", tặng quà, bốc thăm trúng thưởng và kết thúc bằng việc khách hàng sập bẫy khi mua những món đồ gia dụng với giá cao gấp vài lần giá thị trường, thậm chí còn mua phải hàng giả, hàng nhái; còn người bán thì lẳng lặng dọn đồ ra đi từ lúc nào.
Tiếp nữa, nhiều trường hợp người dân mất hàng trăm triệu đồng hoặc suýt mất bởi những cuộc điện thoại giả danh công an, cán bộ viện kiểm sát... Như một cụ ông ở Bình Giang suýt thì chuyển 300 triệu đồng tiền tích lũy cho một đối tượng tự xưng là Viện trưởng Viện Kiểm sát chỉ sau một cú điện thoại dọa dẫm mới đây.
Những chiêu trò lừa đảo như trên không phải là mới, từng diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh và trong cả nước. Báo chí cũng tốn rất nhiều giấy mực phản ánh, phân tích thủ đoạn của những kẻ tổ chức "hội nghị", "hội thảo", những cuộc gọi lừa đảo như trên. Thế nhưng, hễ "hội nghị" tổ chức ở đâu thì hàng trăm khách hàng ở đó cũng vẫn rơi vào bẫy. Số tiền tích cóp nhiều ngày tháng nhưng người dân có thể bỏ ra dễ dàng trong một phút để mua những thứ đồ kém chất lượng. Và ngay sau đó, nhiều người nhận ra mình như vừa bị "thôi miên" thì đã muộn. Việc tìm ra nhóm người lừa đảo như trên không phải là dễ.
Vụ việc ở Cẩm Giàng hay ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng "hội nghị khách hàng" quảng cáo rầm rộ, mời chào công khai rồi cảnh người dân ùn ùn rủ nhau đi dự, thế mà chính quyền địa phương không biết? Liệu có sự tiếp tay của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hay không khi các đối tượng thuê được địa điểm tổ chức sự kiện? Hay là các hoạt động này tổ chức lén lút, không phép? Rồi chính quyền địa phương đã thực sự tuyên truyền sâu rộng hay chưa để người dân vẫn dính bẫy nhiều như vậy? "Trách người một, trách ta mười", bản thân người dân cũng quá mù quáng, thiếu cảnh giác trong khi kiểm tra hàng hóa để những người làm "hội nghị khách hàng" rời đi lúc nào không biết...
Các vụ việc lừa đảo như trên xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn hơn là khu vực thành thị. Đối tượng chính chúng hướng tới là người lớn tuổi nhẹ dạ cả tin. Những người này thường ít thông tin nên dễ bị lừa. Đây cũng là nhóm người thường có tài sản tích lũy riêng.
Thiết nghĩ không cần "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền, cảnh báo người dân, mỗi địa phương chỉ cần phát loa liên tục về những chiêu trò lừa đảo theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Hay tuyên truyền qua hội nhóm Zalo ở các thôn xóm, khu dân cư; qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao...
Hiện nay, các chiêu trò lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là những hình thức lừa đảo qua internet, điện thoại. Nếu người dân không kịp thời cập nhật thông tin, theo dõi các cảnh báo của cơ quan công an thì rất dễ trở thành "miếng mồi ngon" của các đối tượng lừa đảo. Với những người lớn tuổi hạn chế về tiếp cận thông tin cũng cần có biện pháp tuyên truyền riêng. Các Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ hay trong chính gia đình, con cái cần thường xuyên thông tin với người nhà để tránh những trường hợp bị lừa đáng tiếc. Có thể chia sẻ những trang thông tin của công an, các trang báo chính thống để họ chủ động nắm bắt thông tin, nâng cao cảnh giác. Mỗi người dân phải hết sức tỉnh táo trước "tâm lý đám đông", tránh bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những món quà trước mắt bởi không ai dễ cho không cái gì, nhất là những người lạ.