Campuchia ghi nhận thêm trường hợp tử vong do cúm gia cầm H5N1
Campuchia vừa ghi nhận thêm một bé gái 2 tuổi sống tại làng Chmar Lot, xã South Snong, huyện Kamchay Mear thuộc tỉnh Prey Veng, tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1.
Campuchia vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1.
Bệnh nhân là bé gái 2 tuổi sống tại làng Chmar Lot, xã South Snong, huyện Kamchay Mear thuộc tỉnh Prey Veng.
Thông báo tối 9/10 của Bộ Y tế Campuchia cho biết trường hợp trên đã được Viện Y tế công cộng quốc gia xác nhận dương tính với virus cúm gia cầm H5N1 trước đó cùng ngày.
Đây là ca tử vong thứ 3 ở người trong năm nay do virus cúm gia cầm H5N1 và cũng là trường hợp thứ 59 nhiễm loại virus này tại Campuchia kể từ năm 2005, trong đó có 40 ca tử vong.
Đội phản ứng nhanh của Bộ Y tế Campuchia ở cấp quốc gia và địa phương đang nỗ lực điều tra nguyên nhân lây truyền trên cả động vật và người, đồng thời thực thi các biện pháp kiểm dịch, cũng như phân phối thuốc Tamiflu cho những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân.
A/H5N1 là một loại virus cúm gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng, có khả năng lây nhiễm cao ở các loài chim nên được gọi là cúm gia cầm. Các trường hợp cúm gia cầm H5N1 ở người thỉnh thoảng xảy ra nhưng rất khó lây truyền từ người sang người.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Campuchia, một số ít trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1 ở người được phát hiện từ năm 2022, dù dịch cúm gia cầm lây lan ở các loài chim và gia cầm.
Gần như toàn bộ số ca mắc cúm gia cầm ở người kể từ năm 2022 đều có tiếp xúc với gia cầm, nhưng không phát hiện trường hợp nào lây nhiễm virus H5N1 từ động vật có vú sang người hoặc từ người sang người. Trong một số trường hợp, nguồn phơi nhiễm với virus H5N1 vẫn chưa được xác định rõ. Do đó, nguy cơ hiện tại đối với cộng đồng do virus cúm A/H5N1 vẫn ở mức thấp.
Tuy nhiên, giới chức Campuchia dự đoán sẽ tiếp tục có những ca mắc bệnh ở người do virus cúm có khả năng phát triển nhanh chóng và sự lây lan trên toàn cầu.
Việc tiếp tục giám sát toàn diện loại virus này ở các loài chim hoang dã, gia cầm, động vật có vú và con người trên toàn thế giới có ý nghĩa quan trọng để xác định nguy cơ về sức khỏe cộng đồng.