Chuyển đổi số để tạo ra giá trị đột phá cho doanh nghiệp
Sáng 10/10, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Công thương và Tập đoàn FPT tổ chức Hội thảo về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Dương.
Hội thảo với chủ đề “Khởi đầu thông minh để khai thác dữ liệu số và tạo ra giá trị đột phá cho doanh nghiệp”. Đây là hoạt động của Hải Dương để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 và chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh dự hội thảo.
Cùng dự có các đồng chí: Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo Tập đoàn FPT và 200 đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân trong tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định Hải Dương lựa chọn con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Đây là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh, trong đó phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trước mắt cũng như lâu dài. Ngay từ tháng 3/2021, Hải Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cho rằng với phương châm "phục vụ nhân dân, đồng hành với doanh nghiệp", trong thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) để tháo gỡ những vướng mắc, "điểm nghẽn" trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành, Hải Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ đào tạo lao động; chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, ưu tiên vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đồng thời, triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xem là giải pháp hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh. Đồng chí mong rằng thông qua hội thảo này sẽ mở ra những tầm nhìn mới về triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đóng góp hữu ích trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Đồng thời thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra các ý tưởng mới, cách làm hay, sáng tạo.
Tại hội thảo, các lãnh đạo và chuyên gia của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương và Tập đoàn FPT giới thiệu về các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; một số giải pháp phát triển kinh tế số trong lĩnh vực công thương; khởi đầu thông minh để khai thác dữ liệu số và tạo ra giá trị đột phá cho doanh nghiệp; tăng tốc kinh doanh với bộ giải pháp giao dịch số; tinh gọn vận hành và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp; nâng cấp hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đặt câu hỏi, trao đổi, thảo luận về mô hình và lộ trình chuyển đổi số, chi phí thực hiện dự án, nhân lực và tác động của chuyển đổi số đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung triển khai các ứng dụng, các nền tảng số; xây dựng và chia sẻ dữ liệu dùng chung, kết hợp các công nghệ hiện đại vào quá trình quản lý, sản xuất, kinh doanh để tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời tạo ra các kết quả thực chất, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường cho doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến 2025, kinh tế số chiếm 20% tổng số sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm đạt tối thiểu 8%; phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số.
Đến đầu tháng 10/2023, toàn tỉnh có 266 doanh nghiệp công nghệ số, 187 doanh nghiệp nền tảng số, 8.330 doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,58%. Năm 2022, kinh tế số chiếm khoảng 14,36% GRDP toàn tỉnh.