Góc nhìn

Giúp doanh nghiệp vượt “gió ngược”

SONG TƯỜNG 11/10/2023 06:43

Sự cộng hưởng giữa các quyết sách điều hành của Chính phủ với nỗ lực từ phía doanh nghiệp sẽ giúp nền kinh tế vượt “gió ngược”.

W_img_0585.jpg
Giảm tiền thuê đất cùng nhiều chính sách tài khóa khác sẽ trợ sức doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Ngày 3/10, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với những khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 25/2023/QĐ-TTg giảm 30% tiền thuê đất phát sinh phải nộp của năm 2023.

Trước đó, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2023/QĐ-TTg giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Những lần giảm tiền thuê đất của Chính phủ đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân, doanh nghiệp. Cũng vì thế, dù Quyết định 25 đến ngày 20/11 tới đây mới có hiệu lực, song ngay từ lúc này, người dân, doanh nghiệp đã rất phấn khởi.

Tuy số tiền thuê được giảm ít hay nhiều còn phụ thuộc vào diện tích thuê, song người dân, doanh nghiệp đều chung nhận định rằng đây là khoản tiền rất quý. Ở phạm vi hẹp, từ khoản tiền nhất định ấy họ có thể tái đầu tư, giảm gánh nặng tiền vay ngân hàng hay nguồn huy động khác. Suy rộng hơn, khi doanh nghiệp giảm áp lực chi phí sẽ có nguồn lực nâng chất lượng sản phẩm, thậm chí giảm giá thành để nâng sức cạnh tranh. Trong bối cảnh tổng cầu nền kinh tế còn yếu, sản phẩm tốt với giá ưu đãi chắc chắn sẽ được ưu tiên lựa chọn cho giỏ hàng của thị trường.

Không riêng các quyết sách về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước như vừa nêu, Việt Nam cũng đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với nhiều nước trên thế giới. Việc giảm lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2023 khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý vấn đề thiếu vốn của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều lần tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Chỉ trong tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng. Với Hải Dương, tăng trưởng kinh tế 9 tháng ước 7%, cao hơn mức tăng trung bình cả nước (4,24%). Những số liệu tích cực này là kết quả của sự cộng hưởng giữa các quyết sách điều hành tài chính, tiền tệ của Nhà nước, Chính phủ với nỗ lực, quyết tâm phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Song vẫn có một số trường hợp còn thờ ơ với chính quyền lợi được hưởng. Tôi từng nghe có doanh nghiệp nói rằng số tiền lãi ngân hàng được giảm, số tiền thuê đất được giảm tính tổng thì lớn, nhưng với từng doanh nghiệp thì chẳng thấm vào đâu. “Chỉ dành cho doanh nghiệp to thôi, doanh nghiệp bé mất thời gian, công sức để lập hồ sơ, nhưng tiền được giảm chẳng bõ” là đánh giá của những doanh nghiệp này. Vì vậy, họ chẳng mấy quan tâm đến việc lập hồ sơ đề nghị miễn giảm.

Nói doanh nghiệp to được hưởng nhiều chỉ là cách nói “hờn dỗi”, bởi khi biến động kinh tế, chính những doanh nghiệp to ấy bị tác động đầu tiên. Hơn nữa, quy mô lớn đi kèm rủi ro cao. Vì thế, đã làm doanh nghiệp cần có cách nhìn doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng là một mắt xích trong chuỗi giá trị của nền kinh tế. Và bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đáng quý, đáng trân trọng.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng quyết sách của Nhà nước, Chính phủ là dành cho lợi ích chung, khó có thể dành cho từng doanh nghiệp riêng lẻ. Hơn nữa, không ít thì nhiều, số tiền được hưởng từ những chính sách nói trên chỉ mang lại lợi ích chứ không gây thiệt hại gì.

Để vượt “gió ngược”, các chính sách về miễn, giảm, hạ lãi suất hay gần đây nhất là về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước có thể xem là giải pháp trợ sức, cộng đồng doanh nghiệp cần đoàn kết, nỗ lực, chủ động. Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác, cứ như vậy tạo ra một vòng tuần hoàn. Doanh nghiệp này vượt khó không chỉ giúp chính mình, mà giúp cả doanh nghiệp khác vượt khó. Có như vậy, nền kinh tế mới không lỡ nhịp phục hồi.

SONG TƯỜNG