Tư vấn

Khi nào cho vay tiền nên lập vi bằng để tránh rắc rối pháp lý?

ST 09/10/2023 07:48

Tôi vay 100 triệu đồng của người quen, viết giấy vay nợ xong anh này còn yêu cầu cùng đi lập vi bằng. Tôi không hiểu vi bằng là gì, có tác dụng gì, làm ở đâu?

Xin hỏi những trường hợp nào vay tiền cần lập vi bằng? Cần lưu ý gì khi lập vi bằng để không gặp rắc rối với pháp luật sau này?

ĐỖ HIỀN (TP Hải Dương)

Trả lời:

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Lập vi bằng là việc Thừa phát lại sử dụng giác quan của mình để ghi nhận lại sự thật khách quan.

Thừa phát lại chứng kiến trực tiếp, ghi nhận về hành vi, sự kiện có mô tả bằng văn bản, quay phim, chụp hình và thậm chí là ghi âm thực tế ngay tại thời điểm lập vi bằng cho giao dịch đó. Vi bằng có giá trị pháp lý khi được đăng ký tại Bộ Tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày được lập.

Một số trường hợp cần lập vi bằng


Khi giao dịch bất động sản:


- Ghi nhận sự kiện, hành vi liên quan bất động sản: bao gồm ghi nhận việc giao nhận tiền khi mua bán tài sản, ghi nhận việc đặt cọc để chuyển nhượng bất động sản, ghi nhận quá trình thực hiện các cam kết, nội dung trong giao dịch bất động sản...

- Ghi nhận hiện trạng của bất động sản như: ghi nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; ghi nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; ghi nhận tình trạng nhà khi mua nhà; ghi nhận tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; ghi nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật...

Xác nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế:


Thực tế cho thấy, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp về ly hôn hay thừa kế đa số xuất phát từ tranh chấp tài sản. Hiện nay, rất nhiều tòa án khuyến khích đương sự thỏa thuận về việc xác lập vi bằng tình trạng tài sản, phân chia tài sản trong quá trình giải quyết ly hôn hoặc thừa kế để giảm bớt thời gian, chi phí cho đương sự.

Trong hoạt động của doanh nghiệp:


Hiện nay, cơ cấu và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp và điều lệ doanh nghiệp là chủ yếu. Hoạt động tổ chức cuộc họp của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị thường xuyên diễn ra, quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động quản trị, điều hành. Việc lập vi bằng xác nhận việc tổ chức cuộc họp quan trọng là cần thiết.

Vi bằng có giá trị chứng cứ rất cao và đã được pháp luật quy định là nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ việc tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bạn cần lưu ý, vi bằng không thể thay thế với những giao dịch mà pháp luật bắt buộc phải được công chứng, chứng thực cho nên vi bằng sẽ không có giá trị xác lập quyền sở hữu đối với các giao dịch bắt buộc phải công chứng chứng thực.

ST