Chủ động kiểm soát dịch đậu mùa khỉ
Dịch đậu mùa khỉ vẫn đang được kiểm soát, khoanh vùng, tránh lây lan. Các chuyên gia y tế cho rằng không quá hoang mang với bệnh nhưng cũng không chủ quan mà cần có biện pháp ứng phó phù hợp với nguy cơ.
Điều tra dịch tễ kỹ càng
Đến nay, Việt Nam đã có 7 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, trong đó tỉnh Bình Dương lại vừa ghi nhận thêm ca mắc mới nâng số ca mắc lên 2 ca; TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp ghi nhận 5 ca bệnh. Ngành y tế đang khẩn trương điều tra dịch tễ, khoanh vùng, để ngăn chặn các nguồn lây lan.
Đáng chú ý, các ca mắc đậu mùa khỉ vừa qua đều khởi phát tại các địa phương và chưa phát hiện có yếu tố tiếp xúc với người nước ngoài, hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.
Đánh giá về dịch tễ của các ca mắc đậu mùa khỉ vừa qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định: “Trong điều tra dịch tễ cũng từng có những trường hợp mắc bệnh mà không phát hiện được nguồn lây, nguồn bệnh. Có những trường hợp bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây một cách tình cờ, hay người từng mắc bệnh đã khỏi và không hề biết mình từng mắc bệnh, thậm chí có trường hợp bệnh nhân không khai báo y tế, giấu bệnh… Để xác định bệnh lây từ đâu, lây theo hình thức nào phải được xác định qua điều tra dịch tễ kỹ càng”. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các địa phương cần tiếp tục điều tra, nhất là giám sát các trường hợp tiếp xúc với những ca mắc bệnh này. Đồng thời, rà soát để phát hiện những ca mới trong cộng đồng để có những biện pháp phòng, chống hiệu quả, không để dịch lây lan”.
Trước nguy cơ dịch có khả năng lây lan ra cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang vì bệnh đậu mùa khỉ vẫn khó lây hơn những bệnh truyền nhiễm khác; tuy nhiên vẫn cần cảnh giác, chú ý thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Phân tích về nguy cơ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Qua quan sát sự lưu hành của dịch đậu mùa khỉ cho thấy, đến nay, bệnh vẫn chủ yếu vẫn lưu hành ở châu Phi… Ở các nước khác ngoài khu vực này đã có ghi nhận các ca bệnh xâm nhập và thường không bùng phát thành dịch. Như năm 2022, khi đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Âu, một số nước châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam; cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng dịch bùng phát như Covid-19. Tuy nhiên, thực tế, dịch bệnh đã không bùng phát mạnh, vẫn chỉ lây trong cộng đồng hẹp và triệu chứng cũng không nặng như bệnh đậu mùa trước đây. Tại các nước có sự gia tăng mạnh mẽ số ca bệnh đậu mùa khỉ mới đây như ở Thái Lan, Trung Quốc, hầu hết các bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới”.
Đánh giá đúng nguy cơ để có biện pháp phù hợp
Trước tình hình đã ghi nhận ca bệnh lây lan trong nước, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các địa phương cần thực hiện giám sát chặt chẽ để phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Việc phát hiện ca mắc đầu tiên để cách ly, tìm nguồn lây là vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn sự lây lan. Các địa phương phải đánh giá nguy cơ để đáp ứng phù hợp, không để mất kiểm soát dịch. Tuy nhiên cũng không nên phản ứng thái quá mà triển khai đầu tư không cần thiết. Nhất là trong bối cảnh, đang có nhiều dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp trên cả nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, bạch hầu… Cần truyền thông để người dân không hoang mang và nắm được các biện pháp phòng bệnh để chủ động bảo vệ bản thân.
Theo Bộ Y tế, về các biện pháp phòng dịch với đậu mùa khỉ, cơ bản hiện nay vẫn theo cơ chế lây truyền của bệnh như: Phòng bệnh qua đường lây từ giọt bắn bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, rửa sạch các vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ em… Đây cũng là các biện pháp “một mũi tên trúng nhiều đích” khi có thể phòng được cả các bệnh khác như COVID-19, cúm, tay chân miệng…
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần đi khám và thực hiện xét nghiệm để loại trừ; chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; nhất là với những người có yếu tố dịch tễ như: Đi từ vùng dịch ở nước ngoài về, có tiếp xúc với những người mắc bệnh, hoặc người có triệu chứng nghi ngờ…
Về việc có nên tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, thời điểm này vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ không còn “nóng”. Việt Nam cũng không phải là nước lưu hành dịch đậu mùa khỉ và đánh giá nguy cơ bùng dịch không cao…
“Xét về rủi ro và lợi ích, tại thời điểm này, chúng ta chưa cần đặt ra vấn đề tiêm vaccine và người dân cần chủ động thực hiện phòng, chống dịch như các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục chia sẻ thông tin với quốc tế để có những biện pháp phòng, chống dịch”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.