Mùa hè không tên của ký ức Nguyễn Nhật Ánh
Sau những Hạ đỏ, Bảy bước đến mùa hè, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục lấy mùa phượng vĩ để đặt tên cho tác phẩm mới của mình.
Mùa hè không tên là tác phẩm mới nhất của ông do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Chia sẻ về sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết đó là mùa hè thật đặc biệt, vì sau mùa hè đó, cuộc sống của ông đã thay đổi mãi mãi.
Ông muốn đặt cho nó một cái tên không giống những mùa hè khác mỗi khi ông nhớ về. Nhưng rồi ông không thấy cái tên nào phù hợp và cuối cùng ông chọn là Mùa hè không tên.
Ở mùa hè đặc biệt này tôi cần gì phải khoác một tên riêng khi mà mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ - như vết chàm mà con người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời.
Nguyễn Nhật Ánh
Mùa hè đó có gì đặc biệt mà nhà văn phải đau đáu như thế? Đó là những ký ức đẹp đẽ và cả những nỗi buồn ở ngôi làng Đo Đo hiền hòa quê ông.
Một quãng trời tiểu học của những đưa trẻ như Khang, Nhàn, Hội, Túc, Tí, Đính, Chỉnh...
Như một cuốn phim quay chậm với những câu chuyện vụn vặt hằng ngày. Cứ thế, từng mảnh đời trong ngôi làng ấy hiện lên qua góc nhìn của bọn trẻ.
Chuyện người lớn vì sao bỏ đi để con Nhàn thui thủi như trẻ mồ côi. Rồi thằng Túc vì trả nợ cho người mẹ bài bạc phải qua nhà thằng Đính làm sai vặt, từ đó phát hiện bí mật "động trời".
Cái thằng Chỉnh con nhà giàu chuyên lấy tivi, đồ chơi ra "khè" mấy đứa hàng xóm rồi một ngày lâm vào cảnh khốn cùng...
Làng Đo Đo hiền hòa vậy nhưng cũng là một thế giới thu nhỏ. Cũng có đầy hỉ, ố, ái, nộ. Nhưng qua ánh nhìn trong veo của bọn trẻ, biến cố nào cũng có thể vượt qua bằng sự sẻ chia, bằng tình làng nghĩa xóm.
Ai cũng có thể có vết thương trong lòng nhưng nếu biết đối đãi bằng lòng nhân thì những sự cố xảy ra trong đời sẽ giúp ta trưởng thành. Như những đứa trẻ ở làng Đo Đo, đã dùng tình bạn đầy trong sáng của mình để nương nhau vượt qua gai góc.
Cái mùa hè định mệnh khi khép lại bậc tiểu học, mùa hè cuối cùng của nhà văn ở ngôi làng Đo Đo yêu dấu đã đọng lại vĩnh viễn trong tâm trí ông.
Bởi vậy, khi kết thúc câu chuyện, ông vẫn nắm níu với vài phụ lục. Để kể cho người ta nghe thêm về cái kết bỏ lửng.
Mặc dù, sự "kéo dài" này có thể phá vỡ cảm xúc. Nhưng có lẽ nhiều người sẽ đồng cảm với Nguyễn Nhật Ánh.
Bởi ký ức thời thơ ấu luôn đậm sâu. Và khi ở một độ tuổi nào đó, người ta thường khao khát tìm về ký ức, tìm về những con người cũ để có thể "tua" lại những ngày thơ mộng. Để lần nữa nâng niu những cảm xúc trong veo của ngày nào...