Phố phường Hà Nội cuối thế kỷ 19 qua ảnh tư liệu
Phố Hàng Bông, chùa Khổ Hình cuối thế kỷ 19 mang nhiều nét trầm mặc, trong triển lãm "Thành xưa Phố cũ".
Ảnh tư liệu thuộc triển lãm Thành xưa Phố cũ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, dịp kỷ niệm 69 năm Giải phóng Thủ đô. Sự kiện diễn ra ngày 6/10- 31/12, giới thiệu khoảng 150 tài liệu, hình ảnh, gồm hai chủ đề: Thành bên Phố và Phố phường Hà Nội - Giao lộ Đông Tây.
Triển lãm làm nổi bật những diễn biến, thay đổi của Hà Nội trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - giai đoạn đánh dấu bước thay đổi quan trọng của Hà Nội, dưới sự tác động của người Pháp trên nhiều lĩnh vực.
Đây là một ngôi chùa lớn nhất miền Bắc vào thời điểm này, với kiến trúc được xem là tiêu biểu cho cho dòng tư tưởng "cư Nho mộ Thích" (học hành theo đạo Nho nhưng vẫn chuộng đạo Phật) thời nhà Nguyễn.
Chùa Báo Ân gồm 180 gian, 36 nóc nhà, xung quanh xây tường lục giác bao bọc. Ngoài ra, chùa còn sở hữu khối lượng tượng lớn, đều được sơn son thếp vàng.
Ngay từ cuối thế kỷ 19, người Pháp bắt đầu cho quy hoạch, xây dựng Hà Nội trên cơ sở kinh đô Thăng Long cũ, trong đó tâm điểm là thành Hà Nội. Ngoài việc giữ lại một số công trình như: Kỳ Đài, Đoan Môn, thành bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu những khu phố, trung tâm chính trị, hành chính mới đã được dựng lên.
Những tuyến phố mới được mở ra theo kế hoạch của người Pháp như: Phố Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu), đại lộ Carnot (nay là Phan Đình Phùng), đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), đại lộ République (nay là phố Hoàng Văn Thụ), phố Brière de l’Isle (nay là phố Hùng Vương), đại lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ).
Người Pháp có ý tưởng biến Hà Nội xưa thành một thành phố kiểu châu Âu. Họ từng bước tạo nên một trung tâm chính trị lớn, mang tính biểu tượng của chính quyền thực dân trên toàn Đông Dương tại khu vực phía Tây thành Hà Nội như: Tòa thống sứ Bắc Kỳ, Tòa Đốc lý Hà Nội, Nhà băng Đông Dương, phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền và Hàng Khay).
Công trình được xây dựng năm 1894, nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Đến nay, dù trải qua nhiều năm chiến tranh, tháp nước vẫn tồn tại như một minh chứng lịch sử.
Cửa ô nằm ở phía Đông tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) đến năm Gia Long thứ ba (1817), hiện nằm trên phố Ô Quan Chưởng.
Ngoài những bức ảnh tư liệu, triển lãm Thành xưa Phố cũ còn trưng bày những bản đồ, bản vẽ kỹ thuật, văn bản như: Công văn số 402 ngày 23/12/1889 của Chánh Sở Công chính Bắc Kỳ gửi Thống sứ về việc lập bản đồ tổng thể thành phố Hà Nội, Bản Dụ ngày 11/7/1942 của vua Bảo Đại về việc mở rộng Hà Nội.