Những công nghệ an toàn cần trang bị cho ô tô hiện đại
Khi mua ô tô, người ta thường để ý đến những yếu tố an toàn trên xe, vậy những công nghệ an toàn nào cần được trang bị cho ô tô hiện đại ngày nay?
Trên mỗi xe ô tô đều được trang bị hệ thống công nghệ an toàn tiêu chuẩn như dây đai an toàn, chống bó cứng phanh, túi khí…Song tài xế vẫn cần đến một số trang bị công nghệ khác để có thể lái xe an toàn trong điều kiện tình hình giao thông phức tạp.
Kiểm soát hành trình chủ động ACC
Trang bị này được nâng cấp từ hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control và thường xuất hiện trên các mẫu xe sang. Theo đó, ACC cho phép tài xế cài đặt tốc độ di chuyển tương tự như Cruise Control. Ngoài ra, ACC còn có thể tự giảm tốc khi có chướng ngại vật phía trước. Để ACC thực hiện khả năng này, cảm biến và radar gắn bên trong lưới tản nhiệt phía trước có nhiệm vụ quét khoảng cách và xác định vật cản. Trường hợp có vật cản hay sự cố, ACC sẽ tự động giảm tốc nhằm giữ khoảng cách an toàn cho xe, tránh xảy ra va chạm.
Tự động phanh khẩn cấp AEB
Đây là một trang bị được khá nhiều khách hàng lựa chọn thêm khi mua xe. Hiện tại, hệ thống tự động phanh khẩn cấp đã được nhà sản xuất điều chỉnh cho phù hợp với các mẫu xe phổ thông, thay vì chỉ áp dụng cho xe sang như trước.
Bên cạnh các cảm biến, một số xe còn có camera quan sát làm nhiệm vụ phát hiện va chạm. Khi tài xế không chú ý hoặc không phản ứng kịp với tình huống bất ngờ, AEB sẽ tự động phanh xe lại. Tốc độ hoạt động của hệ thống này thường dao động trong khoảng 30 km/h, tùy từng loại xe. Theo dữ liệu của Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS), số vụ tai nạn liên hoàn đã giảm khoảng 50% trong những năm gần đây sau khi nhà sản xuất ô tô trang bị thêm AEB.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Có thể nói ABS là trang bị công nghệ an toàn quan trọng hàng đầu trên ô tô. ABS có tác dụng kiểm soát hướng lái, chống hiện tượng trượt khi phanh gấp. Nói nôm na ABS sẽ ngăn chặn tình trạng bánh xe bị khóa cứng (ngừng quay), gây lết, trượt bánh và giúp quá trình phanh xe diễn ra trơn tru, an toàn hơn.
Là một hệ thống phanh điện tử, ABS hoạt động bằng cách rung giật chân phanh, mô phỏng động tác phanh nhấp nhả nhưng ở một tần số lớn hơn rất nhiều so với việc thực hiện thủ công và chỉ được kích hoạt trong những tình huống phanh khẩn cấp.
Ở một cấp độ cao hơn khi các bánh xe cùng hoạt động thì chỉ cần có một bánh xe nào có tốc độ quay thấp hơn đáng kể so với các bánh khác được cảm biến phát hiện thì hệ thống ABS sẽ được kích hoạt bắt đầu giảm lực phanh rồi thực hiện việc nhấp nhả liên tục (tần số khoảng 20 lần/giây) cho phép giảm tốc độ xe một cách an toàn.
Thiết bị đo áp suất lốp
Áp suất lốp là một thông số quan trọng góp phần đảm bảo sự an toàn khi vận hành xe. Nếu áp suất lốp quá lớn so với mức tiêu chuẩn sẽ làm giảm tuổi thọ của lốp xe, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu, mà còn gây trơn trượt nguy hiểm cho người dùng ô tô. Vì vậy mỗi tài xế nên tự trang bị dụng cụ để đo áp suất lốp tiêu chuẩn phù hợp với xe của mình trước mỗi chuyến đi để đảm bảo sự an toàn cho cả hành trình.
Cảnh báo chệch làn đường/Hỗ trợ giữ làn
Cảnh báo chệch làn hay hỗ trợ giữ làn đều có chức năng giúp xe không bị lệch khỏi làn, giảm thiểu nguy hiểm khi lưu thông. Hệ thống hoạt động dựa trên cảm biến và camera gắn ở đầu xe. Hình ảnh cảnh báo về việc đi chệch làn đường sẽ được hệ thống báo lại cho tài xế trên màn hình trung tâm hoặc thông qua âm thanh, vô lăng rung nhẹ.
Trường hợp tài xế bỏ qua tín hiệu chệch làn, không bật đèn xi nhan, hỗ trợ giữ làn đường sẽ can thiệp bằng cách điều khiển nhẹ nhàng trên vô lăng. Tuy vậy, hệ thống sẽ không phát hiện được tình trạng chệch làn đối với những đoạn đường không có vạch kẻ đường hoặc bị mờ.
Cảnh báo điểm mù
Mặc dù đã được hướng dẫn về cách chỉnh gương chiếu hậu để hạn chế điểm mù nhưng thực tế, tình trạng xe gặp tai nạn do đi vào điểm mù vẫn xảy ra khá nhiều. Vì vậy, hệ thống cảnh báo điểm mù đã được phát triển để hỗ trợ người lái trong quá trình di chuyển. Với cảm biến gắn trên xe, hệ thống có khả năng phát hiện những phương tiện khác nằm trong điểm mù của gương chiếu hậu. Khi có xe muốn vượt trước, hệ thống sẽ phát đi tín hiệu cảnh báo bằng đèn màu cam trên gương chiếu hậu.
Camera lùi
Camera lùi hỗ trợ đắc lực cho tài xế trong việc lấy tầm nhìn phía sau khi lùi xe, hạn chế những va chạm với các vật thể phía sau xe. Các nhà sản xuất ô tô thường sử dụng ống kính góc rộng cho camera lùi nhằm mang đến tầm quan sát 180 độ phía sau xe cho tài xế. Đây gần như là trang bị tiêu chuẩn trên các mẫu xe ôtô hiện đại ngày nay.
Đỗ xe điều khiển từ xa
Trong vài năm gần đây công nghệ “tự đổ” cho ô tô đã được hỗ trợ trên cả các hạng xe phổ thông thay vì chỉ có ở một vài mẫu xe hạng sang trước kia. Với công nghệ này, chủ xe chỉ việc sử dụng điều khiển từ xa để điều khiển ô tô tự vào hoặc ra bãi đổ mà không cần phải trực tiếp ngồi trên xe để thao tác.
Ở thời điểm hiện tại, số lượng người sở hữu xe ô tô ngày càng nhiều, các bãi xe ngày càng chật kín và ít khoảng trống nên rất khó để chủ xe có thể đổ xe một cách dễ dàng. Do đó công nghệ này ngày càng trở nên hữu ích và giá trị hơn.