Đẩy mạnh triển khai dự án thí điểm trong khuôn khổ JETP giữa Việt Nam với EU và Anh
Trưa 6/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tibor Stelbaczky, Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) và ông Chris Taylor, Đặc phái viên của Vương quốc Anh về thực hiện Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, JETP cần nhanh chóng được thực thi bằng những hành động cụ thể với cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, tuy nhiên, hiện các bên còn lúng túng khi triển khai thực tế.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều bước trong cam kết theo JEPT như thành lập Ban Chỉ đạo, phê duyệt đề án thực hiện, lập ban thư ký với các nhóm công tác chuyên môn, triển khai lập kế hoạch huy động nguồn lực… “Đây là thời điểm cần đưa ra kế hoạch cụ thể về những công việc sẽ cùng nhau triển khai. Trong đó, Chính phủ dẫn dắt khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng, từ khâu khảo sát, đánh giá, chuẩn bị dự án cụ thể cũng như sự sẵn sàng về mặt công nghệ, tài chính, phương thức quản lý… để phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sản xuất hydro xanh…) hoặc chuyển đổi các nhà máy điện than sang sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch hơn…”, Phó Thủ tướng trao đổi.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với không gian rộng lớn dành cho năng lượng tái tạo. Các công việc cần tiếp tục thực hiện là khảo sát, đánh giá của các khu vực có tiềm năng về năng lượng tái tạo trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án bảo đảm sự ổn định của hệ thống năng lượng với sự gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo; xây dựng lưới truyền tải điện thông minh… Vừa qua, Việt Nam đã lựa chọn những doanh nghiệp hàng đầu để khảo sát, chuẩn bị các bước triển khai thí điểm một dự án điện gió ngoài khơi.
“Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư, tài chính, công nghệ, bảo đảm nguồn lực cho các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp…”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “phải tạo ra bước chuyển động trong thực tế của JETP thay vì những thỏa thuận nằm trên văn bản đã ký kết”.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc triển khai dự án thí điểm trong khuôn khổ JETP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các doanh nghiệp hàng đầu của EU, Anh có thể hợp tác với Việt Nam để thực hiện dự án cụ thể, qua đó Chính phủ các bên cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Phó Thủ tướng gợi mở hướng thành lập trung tâm nghiên cứu cơ chế, chính sách, khoa học kỹ thuật để chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, định chế tài chính… để đề xuất cơ chế hợp tác mới giữa các nước đang phát triển và phát triển, cùng nguồn lực từ Chính phủ và tư nhân trong thực hiện JETP.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian cho cuộc tiếp, Đặc phái viên của EU, Đặc phái viên của Anh về JETP đã chia sẻ kế hoạch huy động nguồn lực tổng hợp để có thể triển khai JETP bằng các dự án cụ thể với các tiếp cận, hành động thực tiễn; mong muốn được tham gia các cơ chế trao đổi định kỳ, thường xuyên để đưa ra các giải pháp cụ thể, hữu hiệu trong quá trình thực hiện tại Việt Nam.
Ông Chris Taylor cho rằng, cơ chế điều phối song phương và đa phương trong JETP đóng vai trò rất quan trọng triển khai những dự án năng lượng tái tạo.