Di tích

Hải Dương thống nhất phương án cấp nước cho suối Côn Sơn

HẠNH DUYÊN 06/10/2023 15:41

Sáng 6/10, UBND tỉnh Hải Dương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học "Nghiên cứu đề xuất, lựa chọn phương án cấp nước cho suối Côn Sơn thuộc di tích đền thờ Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương".

W_hoithaosuoiconson1.jpg
Các đồng chí: Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân đồng chủ trì hội thảo

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và giao Viện Thủy công (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn thuộc khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương”. Đề tài được thực hiện từ tháng 10/2020.

Tại hội thảo, các đại biểu nghe Tiến sĩ Phan Trường Giang, chủ nhiệm đề tài trình bày các phương án cấp nước nhằm duy trì dòng chảy trên suối Côn Sơn. Trong đó, có phương án ban đầu được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Hải Dương. Phương án này bơm nước từ hồ bán nguyệt lên bể phòng cháy chữa cháy với lưu lượng duy trì trên suối đạt tối thiểu 5 lít/giây. Nguồn nước và trạm bơm cấp nước nằm bên trong khu di tích.

Ngoài ra, Ban chủ nhiệm đề tài cũng xây dựng thêm 3 phương án. Phương án 1 bơm nước từ hồ Côn Sơn lên bể phòng cháy, chữa cháy với lưu lượng 10 lít/giây để đạt dòng chảy trên suối tối thiểu 5 lít/giây. Phương án 2 bơm nước từ hồ Côn Sơn lên bể phòng cháy, chữa cháy với lưu lượng 20 lít/giây để đạt dòng chảy khoảng 10 lít/giây. Phương án 3 bơm nước từ hồ Côn Sơn lên ao điều tiết thượng nguồn với lưu lượng 20 lít/giây để đạt được dòng chảy trên suối khoảng 20 lít/giây. Cả 3 phương án này đều đề xuất nguồn nước và trạm bơm cấp nước nằm bên ngoài khu di tích.

W_anhhoithaosuoiconson.jpg
Tiến sĩ Phan Trường Giang, chủ nhiệm đề tài trình bày các phương án cấp nước cho suối Côn Sơn

Tại buổi hội thảo, có 10 ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương đóng góp vào việc lựa chọn các phương án. Các đại biểu đều cho rằng, cả 4 phương án đều khả thi, có thể thực hiện được. Tuy nhiên, phương án ban đầu và phương án 1 có nhiều hạn chế hơn, đó là duy trì lưu lượng dòng chảy trên suối tối thiểu 5 lít/giây là quá thấp. Chiều dài duy trì dòng chảy trên suối ngắn. Việc trạm bơm đặt trong khu di tích và lấy nước từ hồ bán nguyệt như phương án ban đầu sẽ làm thay đổi cảnh quan khu di tích và nguồn cấp nước có thể không ổn định...

Dù đánh giá phương án 3 có một số hạn chế như thời gian hoàn thành đề tài phải kéo dài hơn dự kiến do phải khảo sát, thiết kế bổ sung, các thủ tục liên quan đến nguồn vốn, phê duyệt; phải sử dụng gần 10.000 m2 đất rừng để làm đường và làm ao; chưa có đường lên ao; đoạn suối 1 chưa có đường tham quan; kinh phí thực hiện lớn (trên 30 tỷ đồng) nhưng các đại biểu đều thống nhất lựa chọn phương án này. Theo các đại biểu, nếu thực hiện theo phương án này thì chỉ cần đầu tư 1 lần, máy bơm không gây tiếng ồn trong khu di tích; nguồn cấp nước ổn định; suối phần lớn duy trì được dòng chảy và ao điều tiết tạo thêm điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan trong khu di tích...

Các đại biểu cho rằng, dù chọn phương án nào thì cũng phải tính đến việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của khu di tích; quan tâm đến yếu tố đầu tư và bảo đảm cho hệ thống hoạt động ổn định, lâu dài. Đồng thời nêu một số vấn đề cần xem xét trong quá trình thực hiện.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Toàn (nguyên giảng viên Trường Đại học Mỏ - địa chất) đề nghị giảm bớt diện tích, tăng chiều sâu ao điều tiết nước để giúp giảm bốc hơi nước, giảm diện tích đất rừng phải sử dụng để xây dựng ao. Cần khảo sát kỹ địa chất để có phương án gia cố lòng suối phù hợp.

W_hoithaosuoiconson2.jpg
Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đồng tình quan điểm này và đề nghị ban chủ nhiệm đề tài có thể nghiên cứu kết hợp phương án 3 và phương án 2 để thêm đường ống cấp nước cho bể phòng cháy chữa cháy phục vụ di tích trong việc tưới các thảm thực vật ở khu di tích. Do suối dài nên cần tăng công suất máy bơm và đường ống để bảo đảm hệ số an toàn khi vận hành cấp nước. Bổ sung hệ thống phun tưới để bảo tồn lâm sinh, phát triển cảnh quan, thảm thực vật, tạo nước tự nhiên cho suối. Về lâu dài, nên nghiên cứu thêm giải pháp lâm sinh để bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan cho khu di tích...

Các đại biểu đề nghị cần đánh giá việc thực hiện dự án đến môi trường rừng; công nghệ và vật liệu sử dụng trong xây dựng các công trình cần thân thiện môi trường; các công trình phải hài hòa với kiến trúc khu di tích; tính toán kỹ về thủy lực và áp suất trong đường ống dẫn nước...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân nhấn mạnh, việc duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn là rất cần thiết để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử của khu di tích.

Để triển khai và thực hiện phương án 3 theo lựa chọn của các chuyên gia, nhà quản lý, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh bố trí phần kinh phí phát sinh, bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện phương án 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích đất rừng đặc dụng dự kiến làm bể trời trữ nước, điều tiết tuần hoàn dòng chảy suối Côn Sơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc khẩn trương phối hợp tiếp tục khảo sát thực tế, nghiên cứu lập phương án xây dựng phục hồi suối Côn Sơn và các hạng mục phụ trợ như đường dạo, cảnh quan theo phương án 3…

HẠNH DUYÊN