Củ đinh lăng bao nhiêu năm tuổi là tốt nhất?
Cây đinh lăng rất được ưa chuộng vì lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt là phần củ, vậy bạn có biết củ đinh lăng bao nhiêu năm tuổi là tốt nhất?
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi thì rễ đinh lăng tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ ngũ tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng. Ngoài ra, đinh lăng cũng là loại thuốc tăng lực, dùng làm thuốc bổ trị suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông từng gọi cây đinh lăng là "cây sâm của người nghèo" vì nó có những tính chất như nhân sâm nhưng lại dễ trồng, dễ tìm, ai cũng có thể trồng để làm cây thuốc.
Nhiều người cho rằng củ đinh lăng càng lâu năm thì dược chất càng nhiều, càng tốt cho sức khoẻ. Sự thật có phải như vậy?
Đinh lăng bao nhiêu năm tuổi là tốt nhất?
Lúc bắt đầu sinh trưởng, cây đinh lăng phát triển khá chậm chạp. Vượt qua năm đầu tiên, cây mới có xu hướng tăng tốc và phát triển rất nhanh. Cây đinh lăng được 3 năm tuổi trở lên mới bắt đầu có dược tính, tức là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, lúc này phần rễ mới phát triển, dược tính còn ít nên hiệu quả chưa cao.
Vậy đinh lăng bao nhiêu năm tuổi là tốt nhất? Củ đinh lăng có dược tính cao nhất trong khoảng 5 - 10 năm tính từ khi trồng. Khi đó củ mới hội tụ đủ các chất dinh dưỡng để phát huy hết công dụng. Tùy theo loại đất, trong thời gian này, cân nặng của rễ đinh lăng sẽ dao động từ 3 - 5kg.
Sau độ tuổi này, dược chất bên trong củ đinh lăng sẽ dừng phát triển, chỉ phần lõi của rễ (không có dược tính) phát triển. Ngoài ra theo nguyên lý tự nhiên, ở những cây quá lâu năm, rễ sẽ bị lão hóa, chuyển thành các xơ gỗ, dược tính sẽ giảm đi, thậm chí không còn tác dụng chữa bệnh.
Trên thực tế, những cây hay củ đinh lăng già từ 10 năm tuổi trở lên rất được ưa chuộng trên thị trường, được bán với giá đắt vì nó hiếm, nguồn cung thấp. Có người sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để mua những củ đinh lăng 20 năm tuổi. Củ đinh lăng càng già thì trông càng ấn tượng, người có điều kiện kinh tế mua về trưng bày để thể hiện đẳng cấp giàu có.
Còn nếu chỉ hướng đến mục đích làm thuốc, bạn nên mua củ đinh lăng trong lứa tuổi giàu dược chất nhất.
Cách sử dụng đinh lăng
Để dùng rễ đinh lăng làm thuốc, trước tiên bạn cần rũ hết đất cát, cắt bỏ phần gốc thân, rửa sạch. Đối với rễ chính, bạn dùng dao sắc tách lấy vỏ rễ, bỏ phần gỗ; rễ phụ (rễ con) thì dùng cả. Đem rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô hoặc sấy lửa nhẹ để giữ mùi thơm và phẩm chất của dược liệu.
Khi dùng, bạn có thể để nguyên hoặc tẩm rượu gừng sao qua, sau đó tẩm mật ong, sao thơm.
Còn dùng thân cành và lá, thu hái quanh năm, để tươi hoặc phơi, sấy khô.
Một số bài thuốc có đinh lăng được DS Đỗ Bảo giới thiệu trên báo Sức khỏe và Đời sống:
- Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, đau tức ngực, nước tiểu vàng: Vỏ rễ đinh lăng 30gr, lá hoặc vỏ quả chanh 10gr, vỏ quýt 10gr, rễ sài hồ 20gr, lá tre 20gr, rau má 30gr, cam thảo dây 30gr, chua me đất 20gr. Tất cả thái nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, thục địa, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, mỗi vị 100gr, tam thất 20gr, tán nhỏ, rây bột mịn, sắc uống ngày 100gr.
- Chữa bong gân: Lá đinh lăng 80gr, vỏ cây gạo 40gr (cạo bỏ vỏ đen), chân cua sống 40gr, tô mộc 20gr, nụ đinh hương 5 cái. Lá đinh lăng, vỏ gạo, chân cua rửa sạch bằng nước muối, giã nhỏ; tô mộc tán thành bột mịn, đinh hương tán riêng. Tất cả trộn đều, đắp, nẹp cố định và băng lại, mỗi ngày một lần.