Những thói quen lái xe khiến tài xế bị phạt nặng
Nhiều tài xế thường chủ quan khi lái xe và khi không để ý, nhiều thói quen này có thể khiến tài xế bị xử phạt nặng.
Sử dụng điện thoại khi đi xe
Hành vi sử dụng điện thoại khi đi xe máy rất phổ biến hiện nay. Không chỉ cầm điện thoại vừa đi vừa gọi điện, nhiều người còn “dán mắt” vào điện thoại để nhắn tin, lướt mạng xã hội hay thậm chí livestream khi điều khiển xe máy.
Việc vừa đi vừa dùng điện thoại sẽ khiến người lái mất tập trung, đồng thời không “đủ tay” để xử lý những tình huống bất ngờ, có thể dẫn tới tai nạn giao thông.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 100) quy định, phạt tiền 600.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).
Lái xe khi đã uống rượu bia
Nhiều tài xế thường có thói quen vẫn lái xe dù đã sử dụng rượu bia, điều này vừa gây mất an toàn giao thông vừa khiến tài xế bị xử phạ nặng. Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; tước bằng lái 10 - 12 tháng nếu mức nồng độ cồn khi lái xe ô tô chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng; tước bằng lái 16 - 18 tháng nếu mức nồng độ cồn khi lái xe ô tô từ 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng; tước bằng lái: 22 - 24 tháng nếu mức nồng độ cồn khi lái xe ô tô vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở.
Chạy vào làn đường khẩn cấp
Căn cứ theo Điểm g Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với các hành vi: điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (theo Điểm b Khoản 11 Điều 5).
Đeo tai nghe khi lái xe
Một số người, nhất là các bạn trẻ có sở thích vừa đi xe máy vừa đeo tai nghe, lắc lư theo điệu nhạc. Đeo tai nghe nhạc khiến hầu như mọi âm thanh xung quanh như tiếng phương tiện, còi xe, hiệu lệnh…bị “bỏ qua” tai. Điều này gây nguy hiểm cho chính chủ phương tiện và người khác.
Tai nghe có dây còn có thể làm vướng víu, mắc vào tay lái hay đồ đạc khiến việc điều khiển xe máy trở nên không an toàn.
Tương tự sử dụng điện thoại, hành vi đeo tai nghe hoặc sử dụng các thiết bị âm thanh khác khi lái xe cũng bị phạt từ 600.000 - 1.000.000 đồng theo Nghị định 100.
Chuyển làn, hướng không báo trước
Điều 5 Nghị định 100/2019/CĐ-CP quy định rõ các mức phạt như sau:
Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng khi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều này (Điểm a Khoản 2).
Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng khi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) theo Điểm c Khoản 3.
Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng khi người điều khiển không có báo hiệu trước khi vượt (Điểm d Khoản 5).
Vừa đi xe vừa dùng ô dù
Một tay che ô, một tay điều khiển xe máy sẽ khiến sự an toàn bị đe doạ, không kịp xử lý những tình huống đột xuất. Chiếc ô di động “lụp xụp” trên đường còn có thể che mắt người lái và khuất tầm nhìn các phương tiện khác.
Hơn nữa, ô có diện tích lớn, dễ bị ảnh hưởng bởi sức cản của gió khiến xe dễ lạng tay lái, rất không an toàn khi đi trên đường.
Nghị định 100 nêu rõ, hành vi điều khiển phương tiện dùng ô bị phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng. Thậm chí, điều khiển xe máy chở theo người ngồi sau sử dụng ô cũng bị phạt 100.000 - 200.000 đồng theo khoản 1, Điều 6 Nghị định này.
Dừng, đỗ xe máy trên cầu
Nhiều người có thói quen dừng, đỗ xe máy trên cầu để “hóng mát”, tuy nhiên, điều này cũng bị nghiêm cấm bởi đây là hành vi có thể gây cản trở giao thông, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Vượt đèn đỏ
Cục CSGT đã chỉ ra rằng, vượt đèn đỏ chính là một trong những hành vi trong nhóm nguy cơ cao nhất dẫn tới tai nạn giao thông.
Nghị định 100 cũng phạt rất nghiêm hành vi này, theo đó, đối với người điều khiển mô tô, xe máy bị phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
Đi ngược chiều
Xe máy có tính linh động cao, do đó nhiều người đi xe máy có thói quen đi ngược chiều trên một số đoạn đường ngắn hay trên vỉa hè vì...“tiện”. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Khoản 5, Điều 6 Nghị định 100 quy định rõ: “Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
Sử dụng đèn pha tùy tiện
Việc sử dụng đèn pha ở chế độ chiếu xa/chiếu gần vào lúc nào, ở đâu đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ mà mỗi người đều phải học trước khi được cấp Giấy phép lái xe.
Tuy vậy, nhiều người không hiểu do vô ý hay cố tình, vẫn bật chế độ chiếu xa khi đi trong đô thị, gây chói mắt và khó chịu cho những người đi đối diện.
Hoặc có những trường hợp quên bật đèn vào ban đêm, trong hầm…khiến việc quan sát của mình và các phương tiện khác gặp hạn chế.
Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100 quy định, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng hôm sau hoặc trường hợp có sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe ngược chiều; sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu dân cư.
Đồng thời, phạt tiền 400.000 - 600.000 đồng đối với hành vi chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.