Các nước EU đạt thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn
Tây Ban Nha nêu rõ đại sứ các nước EU đã nhất trí về một thỏa thuận giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan đến vấn đề người di cư và tị nạn.
Ngày 4/10, Tây Ban Nha, quốc gia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về vấn đề người di cư và tị nạn.
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tây Ban Nha nêu rõ đại sứ các nước EU đã nhất trí về một thỏa thuận giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan đến vấn đề người di cư và tị nạn.
Cuộc thảo luận ngày 4/10 xoay quanh một văn bản sửa đổi của thỏa thuận về cơ chế chia sẻ người tị nạn do Tây Ban Nha đề xuất.
Đây được xem là cơ hội cuối cùng để các nước EU đạt được thỏa thuận trước khi lãnh đạo các nước trong khối liên minh này nhóm họp tại Granada (Tây Ban Nha) trong hai ngày 5-6/10 tới.
Tranh cãi liên quan đến viện trợ nhân đạo và hoạt động cứu hộ trên biển là trở ngại đối với cuộc đàm phán về chia sẻ việc tiếp nhận người di cư tại hội nghị diễn ra ngày 28/9 tại Brussels (Bỉ).
Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự bất đồng giữa Đức và Italy, khiến hy vọng đạt được một thỏa thuận về giải quyết làn sóng người di cư trở nên mong manh.
Cho tới nay, các nước Ba Lan và Hungary vẫn phản đối thỏa thuận trên và từ chối tiếp nhận người di cư đến từ các nước Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, các quốc gia EU vẫn có thể đạt được thỏa thuận nhờ đa số ủng hộ dù không nhận được sự nhất trí của hai nước trên.
Thỏa thuận về cơ chế chia sẻ người di cư do Tây Ban Nha đề xuất có tên Hiệp định về di cư và tị nạn mới của EU.
Hiệp định này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia nằm ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác.
EU cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận.
Đồng thời, EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển.
Bên cạnh đó, EU cũng kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần hiện nay.