Y tế - Sức khỏe

Chớ xem nhẹ bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

BẢO ANH 06/10/2023 15:00

Thời điểm chuyển mùa, nhất là khi trời trở lạnh, số người bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gia tăng. Bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống.

W_img_3306.jpg
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, Trưởng Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương) điều trị cho bệnh nhân bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7

Dễ gặp khi giao mùa

Những ngày gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Từ tháng 6 đến tháng 9, bệnh viện tiếp nhận gần 20 bệnh nhân bị bệnh này. Riêng Khoa Nhi tiếp nhận 5 bệnh nhân từ 5-13 tuổi. Theo các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là tình trạng tổn thương dây thần kinh mặt, khiến cho người bệnh bị mất vận động một phần hoặc hoàn toàn cơ mặt.

Em P.T.N. ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) nhập Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương trong tình trạng méo mặt, mắt không thể nhắm kín, không ngậm được miệng… Người nhà em N. cho biết em bị hiện tượng trên sau khi dính mưa, nhiễm lạnh. Ban đầu gia đình chủ quan tưởng em chỉ bị trúng gió nhẹ nên dùng dầu xoa bóp rồi tìm cách chữa mẹo nhưng không giảm, phải đưa đến bệnh viện. Sau 8 ngày được các bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền châm cứu, thủy châm, chiếu đèn kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện cơ... em N. đã dần hồi phục.

Vào lúc chuyển mùa, nhiều gia đình thường chủ quan không để ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và ngoài trời nên khi ngủ dậy thường mở cửa sổ đón không khí trong lành buổi sáng. Như vậy rất dễ bị nhiễm lạnh đột ngột dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Điều trị tại Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh), ông Đ.V.L. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho biết ngủ dậy thấy phòng hơi nóng nên mở cửa ban công cho thoáng. Khi đánh răng, ông không thể ngậm miệng lại được nữa. Soi gương thấy miệng bị lệch, đặc biệt khi chớp hay nhắm mắt, hai bờ mi mắt trái không khép lại được. Tưởng đột quỵ, ông L. lập tức gọi người nhà đưa đi khám và được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Bác sĩ Hoàng Quý Quân, Khoa Nhi Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết 80% số trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh. Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này co lại gây tổn thương. Vì vậy, chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh đã có thể mắc bệnh. Vì vậy, những ngày gần đây thời điểm giao mùa, người dân khó xác định nhiệt độ giữa bên ngoài và trong nhà nên khi ra môi trường dễ nhiễm lạnh và mắc bệnh.

Không chủ quan

Theo các bác sĩ, liệt dây thần kinh số 7 có hai loại gồm liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (do lạnh, viêm tai giữa, zona thần kinh). Nhiều người không nắm rõ các biểu hiện đặc trưng khác biệt khi bị tổn thương hai loại dây thần kinh trên nên rất dễ nhầm lẫn và dẫn đến điều trị muộn.

W_tap-the-duc.jpg
Bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên dễ xảy ra vào lúc giao mùa, trời trở lạnh nên khi tập thể dục người dân cần chú ý giữ ấm (ảnh minh họa)

“Thấy tay trái tê bì và miệng méo tôi cứ tưởng bị trúng gió nên về lấy dầu xoa bóp nhưng không đỡ. Ngay sau đó, tôi thấy tê bì lan sang cả tay phải và chân nên gọi người đưa đến bệnh viện. May sao tôi vẫn ở giai đoạn vàng điệu trị đột quỵ, nếu cứ ở nhà không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Nguyễn Văn Vụ ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) kể khi bị nhầm lẫn trúng gió (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên) với liệt dây thân kinh trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, Trưởng Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương) cho biết một tháng đầu tiên kể từ sau khi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là giai đoạn tốt nhất để điều trị bệnh này nên đi điều trị càng sớm càng tốt. Càng để lâu, đặc biệt sau 3 tháng sẽ tiến triển chậm, để lại di chứng, bệnh nhân khó hồi phục hoàn toàn, mặt, miệng có thể bị lệch vĩnh viễn. Đặc biệt, khi có những triệu chứng miệng lệch, ăn uống rơi vãi, mắt nhắm không kín thì cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị ngay. Bệnh nhân không nên chủ quan chữa bằng các biện pháp dân gian như cạo gió, đắp máu lươn…

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi. Bệnh cũng có khả năng tái phát. Theo các bác sĩ, để phòng bệnh, quan trọng nhất là giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 2-5 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Trẻ nhỏ chơi ngoài trời lạnh, cha mẹ cần chú ý cho con mặc ấm, quấn khăn, đội mũ. Tránh để trẻ ngồi nơi gió lùa, không tắm quá khuya, đi đường xa nên đeo kính, bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe. Sau khi uống rượu, bia, không đi ngoài trời lạnh hay tắm lạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế di chứng.

BẢO ANH